Nhắc đến kinh tế số trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam chiều 17/1, Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, công nghệ số sinh ra những hình thức kinh doanh mới, nhưng từ đây các thách thức mới xuất hiện. Cuộc cách mạng 4.0, theo ông, là cuộc cách mạng về chính sách, về tư duy thay vì một cuộc cách mạng đơn thuần về công nghệ.
Chính sách và tư duy được nhắc đến ở đây là việc Chính phủ có sẵn sàng chấp nhận cái mới và phá bỏ cái cũ hay không. Uber ra đời thách thức những hãng taxi truyền thống, Fintech ra đời thách thức các nghiệp vụ của ngân hàng.
Tuy nhiên, khi đã chấp nhận, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cũng cho rằng, thời điểm chấp nhận cũng là yếu tố quan trọng không kém. Nếu Chính phủ là người chấp nhận cuối cùng thì hiệu quả thực tế cũng không cao, bởi trong một giai đoạn tăng trưởng cao, việc đi sau người khác đã được xem là mất cơ hội. "Nếu chấp nhận cái mới, công nghệ mới sẽ xuất hiện, người tài sẽ về và Việt Nam sẽ tạo ra cái nôi về công nghệ", Bộ trưởng Hùng nhận xét.
Là người đi đầu, Việt Nam có thể chịu thiệt thòi nhưng khi đã có một chính sách có tính cạnh tranh toàn cầu, người Việt sẽ không cần ra ngoài làm công nghệ số mà nhân tài nước ngoài sẽ về Việt Nam làm công nghệ, đầu tư cho công nghệ.
Trước ý kiến cho rằng cách mạng 4.0 có thể cướp đi việc làm của con người, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho rằng, điều này là không đúng khi thực tế công việc là "vô hạn". "Khoảng cách từ một điểm đến vô hạn và một điểm cao hơn một chút đến vô hạn, thực ra đều là vô hạn. Máy móc có thể thay thế con người làm một số việc, nhưng cũng nhiều công việc mới sẽ xuất hiện từ các cuộc cách mạng về công nghệ", ông Hùng nói và cho rằng, việc cần thiết là đào tạo nhân lực để thích nghi với sự thay đổi về việc làm trong tương lai.
Nhìn chung, theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, công nghệ số, chuyển đổi số, kinh tế số là xu thế toàn cầu, là một trào lưu "không thể đảo ngược".
"Thế giới vật lý đang được ảo hoá, đời sống thực đang bị ánh xạ vào không gian mạng, quá trình sáng tạo, sản xuất kinh doanh ngày càng diễn ra nhiều hơn trên không gian mạng. Với sự xuất hiện của cách mạng 4.0, thế giới đang ở điểm gãy của quá trình chuyển đổi số", Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông nói và cho rằng đây là cơ hội để hiện thực hoá khát vọng Việt Nam.
Ở Việt Nam, kinh tế số đã xuất hiện từ khi có máy tính, đặc biệt là khi máy tính cá nhân xuất hiện từ cuối những năm 80 của thế kỷ 20. Quá trình này bắt đầu tăng tốc từ đầu những năm 2000 khi lượng điện thoại thông minh tăng nhanh và khái niệm cách mạng 4.0 xuất hiện. Nhấn mạnh tương lai không còn nằm trên đường kéo dài của quá khứ, ông Hùng cho rằng kinh tế số sẽ tạo ra điểm bứt phá, giúp tăng trưởng kinh tế, tăng năng suất lao động, giúp tăng trưởng bền vững, bao trùm và tăng cơ hội cho nhiều người hơn tham gia vào nền kinh tế.
Minh Sơn