Số liệu tổng hợp ý kiến từ các đoàn đại biểu Quốc hội đến ngày 23/5 cho thấy, Tổng thư ký Quốc hội nhận được văn bản của 48 đoàn đại biểu Quốc hội với 190 vấn đề.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận được 11 vấn đề chất vấn đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước với điều chỉnh tăng giá điện, xăng dầu những tháng đầu năm 2019...
Bộ Công an nhận 17 vấn đề chất vấn, phần lớn về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy, tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người, trong đó có tội giết người và các tội xâm hại tình dục trẻ em.
Bộ Giao thông nhận 10 vấn đề chất vấn trong khi con số này của Bộ Xây dựng và Bộ Văn hóa -Thể thao & Du lịch là 2.
Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, Thanh tra Chính phủ nhận 10-12 vấn đề.
Trong số các Bộ, ngành thì Bộ Công Thương nhận được nhiều đề nghị chất vấn nhất, với 29 vấn đề. Các đại biểu Quốc hội muốn chất vấn ngành nay xoay quanh việc điều hành giá điện, xăng dầu, quản lý thị trường, cũng như tiến độ xử lý các dự án thua lỗ nghìn tỷ, thoái vốn tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước...
Số nhóm vấn đề Bộ này nhận được thậm chí nhiều gần gấp đôi các Bộ đứng sau như Bộ Giáo dục & Đào tạo (18 vấn đề), Bộ Công an (17 vấn đề), Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội (12 vấn đề)...
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh không có tên trong danh sách sẽ đăng đàn ngày mai (4/6) tại phiên chấn vấn. 4 tư lệnh ngành được chọn thuộc các lĩnh vực như an ninh trật tự, văn hoá thể thao và du lịch, xây dựng và giao thông.
Giải trình về ý kiến đề nghị bổ sung chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Công Thương, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, lĩnh vực này hiện có nhiều vấn đề được xã hội quan tâm, nhất là liên quan tới quản lý, điều hành giá điện, xăng dầu. Tuy nhiên, Chính phủ đã có báo cáo giải trình đầy đủ gửi các đại biểu Quốc hội.
Trả lời báo chí trước đó, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Văn phòng Quốc hội tổng hợp 9 nhóm vấn đề xin ý kiến các cơ quan để chất vấn, trong đó có lĩnh vực Công Thương. Tuy nhiên, sau đó 5 lĩnh vực được lựa chọn để xin ý kiến đại biểu Quốc hội là An ninh trật tự, Văn hoá Thể thao và Du lịch, Thanh tra, Xây dựng và Giao thông Vận tải.
"Trong phiếu xin ý kiến đại biểu, có mục ý kiến khác ngoài 5 lĩnh vực trên. Kết quả chỉ có 3 trong 471 đại biểu đề nghị chất vấn Bộ trưởng Công Thương. Như vậy là ít quá, không đủ để lựa chọn", Tổng thư ký Quốc hội giải thích.
Ngoài Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục & Đào tạo nhận được 18 vấn đề chất vấn, tập trung về sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 và cũng không đăng đàn lần này.
Theo chương trình, từ sáng mai (4/6), Quốc hội sẽ bước vào 2,5 ngày thảo luận chất vấn và trả lời chất vấn. Phó thủ tướng Phạm Bình Minh sẽ lần đầu thay mặt Chính phủ phát biểu, làm rõ thêm một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu.
Nguyễn Hoài