Theo Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, việc thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, cân đối thu chi căng thẳng khiến Bộ Tài chính bên cạnh các biện pháp như rà soát tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên… đã có kiến nghị giảm lương 100.000 đồng. Mức giảm này đúng bằng số vừa tăng từ 1/7 vừa qua, và nếu được chấp thuận lương tối thiểu chi trả từ ngân sách nhà nước sẽ lại từ 1,15 triệu đồng quay về 1,05 triệu đồng một tháng. Khoản ngân sách để bố trí tăng lương được tính toán lúc đó là 21.700 tỷ đồng sau nhiều cân đo, đong đếm của Chính phủ và Quốc hội.
Là người đưa ra thông tin đồng thời chính Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng "phê" luôn kiến nghị này là "phản cảm". Còn theo Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, trong hoàn cảnh GDP vẫn tăng và Việt Nam không tuyên bố khủng hoảng thì giảm lương để chi là không ổn về mặt tâm lý xã hội, chưa kể ảnh hưởng tới đầu tư nước ngoài.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lập tức bác bỏ. Theo Thủ tướng, trong 3 năm qua, lương tối thiểu tăng khoảng 35% nhưng giá cả cũng đã tăng bằng con số này. "Bây giờ giảm lương là không được", Thủ tướng nói.
Tình hình kinh tế xã hội 9 tháng, theo nhận định của Chính phủ trong phiên họp ngày 29/9, đã chuyển biến tích cực, đúng hướng, tốc độ tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, bước đầu đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhận định nền kinh tế phục hồi chưa vững chắc, lạm phát được kiềm chế nhưng đã có dấu hiệu tăng trở lại, tiến độ thu ngân sách nhà nước thấp so với kế hoạch.
Trong khi Bộ Tài chính có ý tưởng muốn giảm lương tối thiểu để giảm bớt chi trong bối cảnh ngân sách khó khăn, liên bộ Lao động Thương binh Xã hội và Tài chính cùng Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam lại đang trình phương án điều chỉnh lương của doanh nghiệp. Trả lời tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 29/9, Bộ trưởng Vũ Đức Đam xác nhận thông tin này và cho biết phương án tăng lương cho doanh nghiệp thường được tính toán dựa trên tốc độ tăng trưởng kinh tế, lạm phát. Chẳng hạn GDP tăng trưởng khoảng 5-6%, lạm phát 7%, thường các bộ ngành cân nhắc mức lương tăng tối thiểu là 14-15%.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, sức ép mỗi lần tăng lương rất lớn. Nếu là lương của doanh nghiệp, tăng quá cao sẽ mất sức cạnh tranh. Còn khu vực lương dùng ngân sách nếu tăng cao thì ngân sách không đáp ứng nổi.
"Cứ hình dung nếu ngân sách thu 100 đồng thì phần dành cho trả nợ, nói số tròn, khoảng 15%; một phần dành cho đầu tư phát triển, trước đây mình đầu tư nhiều, thậm chí lên đến 40%, nhưng gần đây đã giảm xuống, năm ngoái còn khoảng 20%, cộng lại là 35%. Còn lại 65% là chi thường xuyên trong đó khoảng một nửa là chi lương cho công chức, viên chức, những người chưa phải là công chức nhưng hưởng các định suất lương ở địa phương, chi cho người có công…", ông nói.
Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, 9 tháng qua, tổng thu ngân sách đạt hơn 543.000 tỷ đồng, tổng chi hơn 684.000 tỷ đồng đưa mức bội chi lên tới hơn 140.000 tỷ đồng, chiếm gần hết dư địa bội chi của cả năm. Chỉ 6/14 khoản thu nội địa đảm bảo tiến độ (từ 75% dự toán trở lên) song đều là các khoản thu nhỏ. Hầu hết các sắc thuế chủ yếu như VAT, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân… đều đạt thấp.
Đáng chú ý, 40 tỉnh thành thu chưa đạt yêu cầu, đặc biệt tại các địa phương trọng điểm thu như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh… trong khi khả năng huy động trái phiếu Chính phủ 3 tháng gần đây lại gặp nhiều khó khăn.
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã thống nhất nới trần bội chi ngân sách năm 2013 lên 5,3% thay vì 4,8% và dành toàn bộ phần bội chi để đầu tư phát triển. Đề xuất sẽ được Chính phủ đề xuất với Quốc hội trong kỳ họp cuối năm.
Theo Nghị quyết của Quốc hội, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2013 được dự toán ở mức 816.000 tỷ đồng; tổng số chi 978.000 tỷ đồng. Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước khoảng 4,8% GDP, tương đương 162.000 tỷ đồng. Theo tính toán, cứ tăng bội chi thêm 1% GDP, Chính phủ có thêm 40.000 tỷ đồng từ ngân sách.
Nguyễn Hưng