Trong báo cáo giải trình việc tăng giá điện, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Thông tin & Truyền thông chỉ đạo báo chí không đưa tin trái chiều và có biện pháp chấn chỉnh hoặc xử lý những cá nhân cố tình xuyên tạc, đưa thông tin không đầy đủ, khách quan nhằm kích động, gây rối trật tự, an toàn xã hội.
Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu Quốc hội, đề nghị trên của Bộ Công Thương là "phản cảm" và thể hiện sự không cầu thị vì người dân, báo chí có quyền phản ánh tiền điện tăng đột biến.
Phản hồi lại những thông tin này, ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Công Thương thừa nhận, cách diễn đạt như trên đã gây hiểu lầm trong dư luận, cho rằng Bộ đánh đồng những phản biện tích cực với những thông tin có ý bịa đặt. "Chúng tôi khẳng định luôn sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu góp ý, phản ánh của người dân, kể cả những quan điểm, ý kiến trái chiều để xây dựng chính sách đúng đắn. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm", ông Vượng nói.
Thứ trưởng Công Thương cũng khẳng định, với tinh thần cầu thị, Bộ luôn luôn trân trọng lắng nghe và tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý chân thành, xây dựng của các nhà khoa học, các cơ quan báo chí và đặc biệt là người tiêu dùng.
Về biểu giá điện bậc thang, ông Hoàng Quốc Vượng cho biết cơ quan này đang nghiên cứu, đề xuất biểu giá điện mới với mục tiêu giảm bù chéo giữa các hộ tiêu thụ, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, song song với đảm bảo các mục tiêu về an sinh xã hội. "Đời sống người dân đã cải thiện, nhu cầu sử dụng điện cũng cao hơn, nên việc nghiên cứu, xây dựng biểu giá bán lẻ điện bậc thang mới cho các hộ gia đình là yêu cầu chính đáng và cần thiết", ông nói.
Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các đơn vị, đặc biệt là EVN, phải liên tục tiếp thu, phản hồi ngay tất cả thắc mắc về hóa đơn tiền điện cho người tiêu dùng.
Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch EVN cho biết, dự kiến chiều nay (23/5), Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) làm việc trực tiếp với EVN về nội dung sửa biểu giá điện bậc thang.
Nguyễn Hoài