Ant Group, gã khổng lồ công nghệ - tài chính Trung Quốc do tỷ phú Jack Ma kiểm soát, đã đệ trình hồ sơ IPO ở Hong Kong và Thượng Hải, khởi động một quá trình có thể giúp công ty lên sàn trong vài tháng tới.
Hồ sơ lần đầu tiên tiết lộ dữ liệu tài chính và hoạt động chi tiết về công ty có trụ sở tại Hàng Châu này. Ant báo cáo lợi nhuận ròng gần 17 tỷ nhân dân tệ (2,5 tỷ USD) trong năm 2019, tăng mạnh so với 667 triệu nhân dân tệ của năm 2018. Lợi nhuận nửa đầu năm nay của công ty đạt 21 tỷ nhân dân tệ.
Doanh thu của Ant năm ngoái đạt tổng cộng 120,6 tỷ nhân dân tệ và tăng hơn 40% so với năm 2018. Doanh thu trong sáu tháng đầu năm 2020 tăng 38%, lên 72,5 tỷ nhân dân tệ so với cùng kỳ năm trước.
Ant vận hành Alipay, ứng dụng thanh toán và phong cách sống phổ biến mà nhiều người Trung Quốc sử dụng cho hàng loạt giao dịch tài chính. Alipay có 711 triệu người dùng hoạt động thường xuyên hàng tháng tính đến tháng 6 và hơn một tỷ người dùng hoạt động hàng năm, theo hồ sơ công bố.
Công ty cho biết khoảng 43% doanh thu năm 2019 đến từ hoạt động thanh toán kỹ thuật số và dịch vụ cho các thương nhân đối tác. Phần lớn doanh thu khác đến từ "nền tảng công nghệ tài chính kỹ thuật số". Công ty tính phí công nghệ - dịch vụ cho các ngân hàng, nhà quản lý tài sản và các công ty bảo hiểm sử dụng Alipay để cho vay, bán quỹ tương hỗ cùng các sản phẩm khác.
Ant, một phần của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba Group Holding, đang có kế hoạch niêm yết trên STAR Market lâu đời của Thượng Hải cũng như sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong. Công ty không tiết lộ kế hoạch huy động bao nhiêu trong các đợt IPO kép, nhưng tổng số tiền thu được có thể lên đến hàng chục tỷ USD và Ant có thể được định giá hơn 200 tỷ USD khi được niêm yết.
Công ty cho biết dự định sử dụng tiền thu được từ IPO để mở rộng lượng người dùng, đầu tư cho các dịch vụ kỹ thuật số, đổi mới, nghiên cứu và phát triển, thanh toán xuyên biên giới và các dịch vụ khác. Citigroup, JPMorgan Chase & Co., Morgan Stanley và China International Capital là các nhà tài trợ cho Ant IPO tại Hong Kong.
Phiên An (theo WSJ)