Với chiến lược cho người bán đăng sản phẩm "thả cửa" không mất phí, Taobao được Alibaba lập ra năm 2003, một năm sau khi Ebay chính thức làm ăn ở Trung Quốc. Với điều kiện quá hấp dẫn, thay vì phải mất tiền cho mỗi tin đăng trên Ebay, người dùng lũ lượt chuyển sang Taobao. Ông chủ Jack Ma hiểu rằng, xây dựng một cộng đồng lớn mạnh sẽ là nền tảng tốt để triển khai quảng cáo online và các dịch vụ có phí về sau.
Sau một năm Taobao vận hành, lượng kết nối giữa người bán và người mua ngày một tăng. Tuy nhiên, giao dịch thực sự sau khi kết nối lại không như kỳ vọng. Đơn giản là vì hai bên bán – mua không tin tưởng lẫn nhau.
“Mọi người không sẵn sàng trả tiền trước và cũng không ai muốn chuyển hàng trước. Vấn đề lớn nhất của chúng tôi là giải quyết khâu giao dịch”, tỷ phú Jack Ma kể lại.
Trong năm đó, tức 2014, ông chủ Alibaba đi dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sỹ) để tìm giải pháp cho vấn đề này. Tuy nhiên, ông lại thấy các doanh nhân thế giới thảo luận nhiều về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Ông nhận ra rằng, muốn phát triển thương mại điện tử tại Trung Quốc thì phải tạo ra cái gì đó có giá trị thật sự, thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
“Thương mại điện tử Trung Quốc chưa phát triển là vì lúc đó thiếu mất một mảnh ghép, một cơ chế tạo niềm tin giữa mọi người”, ông nói.
Ngay trong đêm còn đang ở Davos, Jack Ma gọi cho bạn bè và đồng nghiệp nói rằng phải lập tức tạo ra Alipay. “Tôi hiểu những rủi ro về các quy định liên quan đến việc tạo ra Alipay ở Trung Quốc. Và nếu ai đó cần phải đi tù cho sản phẩm này, tôi sẽ đi”, ông quyết tâm.
Với mục tiêu là tạo niềm tin, nhiệm vụ chính của Alipay khi ra đời là bảo lãnh thanh toán cho giao dịch trên Taobao. Khi đơn hàng được chốt, người mua sẽ thanh toán cho Alipay. Khoản tiền này được đóng băng và Alipay yêu cầu bên bán chuyển hàng cho người mua. Sau khi người mua nhận được hàng và xác nhận với Alipay vì số tiền mới được giải ngân cho người bán. Nếu có trục trặc, người mua sẽ được hoàn tiền.
Tuy nhiên, vào những năm ấy, thanh toán online còn khá lạ lẫm ở Trung Quốc. Do đó, Alipay phải làm thêm một động tác là bắt tay với Bưu điện Trung Quốc để khách hàng có thể nạp tiền vào Alipay tại 66.000 điểm giao dịch bất kỳ của hệ thống bưu điện.
Alipay chính là nước cờ giúp Taobao vượt mặt và đẩy Ebay khỏi Trung Quốc. Những năm về sau, cùng với sự phát triển của công nghệ di động, Alipay được định nghĩa là “nền tảng thanh toán và phong cách sống”. Người Trung Quốc dùng nó trong rất nhiều giao dịch và hoạt động.
Người ta dùng Alipay để thanh toán các tiện tích, nạp tiền điện thoại, mua vé tàu, kiểm tra số dư trong tài khoản ngân hàng hay chi trả thay tiền mặt trong hệ thống WalMart và Carrefour ở nước này.
Thậm chí, nếu muốn mua lon nước trong máy tự động, một chiếc bánh ở một cửa hàng bình dân, rau củ quả bán vỉa hè, người Trung Quốc cũng dùng Alipay được. Họ chỉ cần mở ứng dụng lên, quét mã QR để thanh toán.
Hiện nay, AliPay có hơn 450 triệu tài khoản hoạt động thường xuyên. Năm 2016, ứng dụng này có đến 91 tỷ lượt giao dịch.
Năm 2014, Alibaba thành lập Ant Financial để trực tiếp vận hành Alipay và các dịch vụ tài chính khác của Alibaba. Từ ý tưởng Alipay ban đầu, hiện nay Ant Financial đã có một hệ sinh thái bao gồm quỹ thị trường Yu'eBao, dịch vụ tín dụng trực tuyến Sesame Credit, ngân hàng internet MYBank, nền tảng dịch vụ tài chính bên thứ ba Zhao Cai Bao và nhà cung cấp dịch vụ vay vốn nhỏ Micro Ant.
Không chỉ dừng lại ở thị trường Trung Quốc, Alipay bắt đầu tiến sang các thị trường khác tại châu Á, châu Phi và cả Âu - Mỹ bằng những cách thức khá "mềm mại", thông qua việc thâu tóm, góp vốn hay mở những dịch vụ mới, phù hợp với từng thị trường.
Tháng 9/2016, Ant Financial đầu tư 680 triệu USD vào ví điện tử Paytm của Ấn Độ. Một tháng sau, công ty hợp tác với fintech ví điện tử Ascend Money (Thái Lan). Tháng 4/2017, helloPay - nền tảng thanh toán của Lazada hợp nhất với Ant Financial, hiện hoạt động tại Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines. Tháng 9 vừa rồi, AlipayHK ra đời dưới sự liên doanh của CK Hutchison và Ant Financial tại Hong Kong.
Tỷ phú Jack Ma luôn nhắc đi nhắc lại mong muốn xây dựng một nền kinh tế không tiền mặt ở hầu hết các thị trường mà ông đến làm ăn. Cách đây ít ngày, ông lập lại thông điệp của mình tại buổi ra mắt dịch vụ thanh toán bằng mã QR của ví điện tử GCASH (Philippines). Bản thân GCASH là sản phẩm của Mynt, một công ty mà Ant Financial đang nắm 45% cổ phần.
"Chúng ta nên đưa Philippines trở thành một xã hội không tiền mặt. Xã hội không tiền mặt thì không có tham nhũng. Cuộc sống cũng dễ dàng hơn", tỷ phú này nói.
Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam (VEPF) là sự kiện thường niên, quy mô lớn đầu tiên về thanh toán điện tử được tổ chức tại Việt Nam. Sau hai năm tổ chức, VEPF 2017 tiếp tục là cơ hội để các bên liên quan nói lên tiếng nói nhằm tác động tới sự thay đổi chính sách về thanh toán điện tử.
VEPF 2016 đã thu hút 700 khách tham dự sự kiện, trong đó có sự hiện diện của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Giao thông, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, đại diện các ngân hàng, doanh nghiệp thương mại điện tử, công nghệ, giao thông, trung gian thanh toán... cùng các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước. Chương trình năm nay có sự tài trợ của Samsung Pay - ứng dụng kết nối với hệ thống các ngân hàng để cung cấp dịch vụ thanh toán di động. Thông tin chi tiết về VEPF 2017 được cập nhật tại website chính thức: https://vepf.vnexpress.net. |
Phiên An (tổng hợp)