-
16h50
Thứ trưởng Phan Tâm đưa ra loạt đề xuất kiến nghị cho Chính phủ, các Bộ ban ngành
- Nhanh chóng ban hành chiến lược, tạo tiền đề đổi mới sáng tạo.
- Tiếp tục hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài để xây dựng phát triển các doanh nghiệp công nghệ.
- Nghiên cứu xây dựng môi trường pháp lý cho các doanh nghiệp công nghệ.
- Nghiên cứu xây dựng chính sách đầu tư, chấp nhận đầu tư rủi ro, ứng dụng công nghệ mới cho các startup.
- Xây dựng môi tường cạnh tranh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp công nghệ thuộc mọi thành phần trong nước và ngoài nước
"Nhiệm vụ đặt ra hết sức nặng nề nhưng cũng rất vinh quang. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng thay mặt Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp thu các ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, lắng nghe ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, để từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cam kết đồng hành cùng hệ sinh thái 100.000 doanh nghiệp công nghệ", ông Phan Tâm cho biết.
Thay mặt ban tổ chức, ông Tâm cảm ơn sự có mặt của các ban bộ ngành, doanh nghiệp đã tham gia, đóng góp vào diễn đàn; các doanh nghiệp bảo trợ cho sự kiện như Công ty Cổ phần VNG, Be Group, VCCorp, VSmart, CMC, MISA, Saigontourist, MobiFone, MK Group cùng sự phối hợp tổ chức của báo điện tử VnExpress.
-
16h43
Ông Phan Tâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu bế mạc
Theo Thứ trưởng, sau một ngày làm việc nghiêm túc, Diễn đàn quốc gia phát triển Doanh nghiệp Công nghệ Việt Nam đã hoàn thành với hơn 20 bài tham luận của lãnh đạo, chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các bài tham luận bước đầu làm rõ nhiều vấn đề để phát triển hệ sinh thái công nghệ của Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến thiết thực đã được đưa ra để giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu phát triển doanh nghiệp công nghệ cao.
Thứ trưởng Phan Tâm phát biểu bế mạc chương trình.
Ông cũng đánh giá cao bài phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ dành cho các bộ, ban, ngành. Những lời tâm huyết của Thủ tướng đã phần nào giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp đồng thời trở thành động lực giúp họ ngày càng phát triển.
Diễn đàn khẳng định việc phát triển các doanh nghiệp công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế Việt Nam, hướng tới kỷ niệm 100 năm Việt Nam tuyên bố độc lập và trở thành cường quốc công nghệ vào năm 2045.
Qua các cuộc trao đổi, ông điểm lại một số nội dung cần thực hiện. Trong đó, doanh nghiệp Việt cần nhanh chóng khai phá, giải quyết bài toán của Việt Nam để chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước; đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, liên tục đổi mới, sáng tạo...
Các doanh nghiệp lớn cần quan tâm đầu tư công nghệ, để trở thành đầu tàu phát triển hệ thống doanh nghiệp Việt. Các đơn vị cần tăng cường kết nối, hỗ trợ lẫn nhau, mạnh dạn chuyển mình từ đơn vị gia công, lắp ráp trở thành tập đoàn công nghệ. Tất cả cần dựa vào công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
-
16h26
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Doanh nghiệp ICT là thành phần chính trong cuộc cách mạng số tại Việt Nam
Tổng kết những khó khăn và kiến nghị của các doanh nghiệp tham dự diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Nguyễn Mạnh Hùng cho biết sẽ tiếp nhận và tổng hợp trước khi gửi báo cáo đến Thủ tướng vào tháng 6 tới.
Phát triển doanh nghiệp công nghệ là vấn đề mới, Bộ trưởng cho rằng nên cần làm thử để thấy những ưu nhược điểm để giải quyết triệt để hơn là đưa ngay ra một giải pháp ngắn hạn. Bộ trưởng lấy ví dụ về mảng vận tải công nghệ như Grab, Nhà nước cho hoạt động thử vài năm. Đến nay đã có nhiều quy định mới đồng bộ hơn về hoạt động vận tải mới này.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tổng kết Diễn đàn.
Chính phủ cùng với các bộ ngành liên quan sẽ "tấn công" vào khu vực doanh nghiệp để thấy được những khó khăn, sau đó mới đưa ra giải pháp. Khi Nhà nước và doanh nghiệp cùng phối hợp để thử nghiệm các sản phẩm là quá trình tạo ra giá trị thực sự.
Doanh thu đáng lẽ 4 tỷ USD, nay mới 1 tỷ USD
Lĩnh vực nội dung số ở Việt Nam là ngành hoàn toàn có thể phát triển tốt, người Việt Nam đã làm được. Nhưng doanh thu nội dung số đáng lẽ phải là 4 tỷ đô thì nay chỉ mới đạt một tỷ đô.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang đi ngược lại xu thế chung của thế giới là tỷ lệ ăn chia cho nhà mạng nhiều hơn đơn vị sản xuất nội dung số. Ở các nước phát triển, doanh thu từ nội dung, nà mạng hưởng 30%, công ty sản xuất nội dung 70%. Còn ở Việt Nam nhà mạng đang hưởng 60%. Nhà mạng có quyền lực để "ép" các đơn vị làm nội dung. Bộ trưởng cho rằng chỗ này, Chính phủ cần "thò tay" vào. Bộ đang nghiên cứu chiến lược thúc đẩy phát triển nội dung số Việt Nam.
Bộ trưởng đề nghị các doanh nghiệp trong nước, các tập đoàn thậm chí cá nhân đang làm việc ở mọi lĩnh vực đề xuất chiến lược phát triển nội dung số. Bộ Thông tin và Truyền thông sẵn sàng tiếp nhận những đóng góp quý báu này để tăng số lượng doanh nghiệp nội dung số lên con số gấp đôi.
Tuy nhiên Bộ trưởng cũng cho rằng thị trường còn nhiều lỗ hổng. Đơn cử như hoạt động quảng cáo đang đi theo hướng thiếu kiểm soát về nội dung. Nhiều hoạt động quảng cáo đang vi phạm quy định của Nhà nước nhưng chưa thể xử lý triệt để. Thực trạng này có phần nào trách nhiệm của những doanh nghiệp.
Kết thúc phần chia sẻ Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh ICT là thành phần chính trong cuộc cách mạng số tại Việt Nam, các doanh nghiệp nếu có thể chung tay với Bộ thông tin và Truyền thông sẽ tạo nên bước thay đổi mạnh mẽ trong tương lai.
-
16h17
Đại diện các doanh nghiệp đề xuất ý kiến tháo gỡ những khó khăn đang gặp phải
Trước câu hỏi đề xuất kiến nghị tháo gỡ khó khăn từ điều phối viên, đại diện MK Smart - Lê Minh Quốc mong muốn Bộ trưởng cụ thể hoá "sandbox", giải quyết những khiếu nại trong thời gian cụ thể, từ đó, đưa ra những quy định cụ thể để các doanh nghiệp có vướng mắc được giải quyết ngay với thời gian cụ thể; Bộ có trách nhiệm liên kết với các Bộ khác trong việc áp dụng công nghệ. Ông Lê Minh Quốc cũng đề xuất.
Khán giả chăm chú theo dõi đến những phút cuối diễn đàn.
Đại diện VCCorp thì kiến nghị phân nhóm doanh nghệ công nghiệp dựa trên giá trị họ tạo ra. Ông cũng đề cao vai trò của nguồn lực - con người, và đưa ý kiến về việc trao đổi cùng ngành thuế để xem nên đánh thuế tối đa hay tối thiểu để phát triển doanh nghiệp công nghệ.
"Tôi cho rằng, việc cởi mở về mặt thông tin là cần thiết. Nhà nước phải sẵn sàng tin tưởng giao việc cho doanh nghiệp tư nhân; đối xử một cách công bằng giữa các khu vực doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp trong nước và ngoài nước", ông Lương Tuấn Thành, Giám đốc công nghệ Tập đoàn CMC bổ sung vào kiến nghị chung.
-
16h09
Doanh nghiệp đang gặp những khó khăn gì
Câu hỏi tiếp được đặt ra là những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khi phát triển công nghệ. Ông Lương Tuấn Thành - đại diện CMC cho biết, khi doanh nghiệp hay Chính phủ càng lớn, hệ thống IT càng phức tạp. Ông nêu ví dụ, hệ thống công nghệ thông tin của Singapore đã có từ lâu và ngày càng phát triển nhưng Việt Nam chưa làm được điều này. Việt Nam cần tách bạch 2 vấn đề: cải tạo cái cũ và sáng tạo ra những sản phẩm mới.
Mặt khác, Dư Thái Hùng - đại diện MobiFone cho rằng, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó về cơ chế, quy định của nhà nước. Ví dụ, nhiều sản phẩm chưa được quy định rõ nên khi đưa giải pháp mới đưa về địa phương lại vướng quy định. Sản phẩm mới ưu việt hơn nhưng cơ chế lại chưa theo kịp.
Đại diện MobiFone thảo luận tại Diễn đàn.
Tiếp lời, ông Lý Quốc Chính, đại diện VNPT chia sẻ thêm khó khăn khác là khi thực hiện các dự án công nghệ, công ty gặp một số bất cập trong công tác nhân sự. Ngoài yếu tố nguồn nhân lực, thì trả lương cho nhân sự làm sao cho phù hợp cũng rất khó khăn. "Sinh viên mới ra trường không thể trả như chuyên gia được, mà thấp quá thì các bạn lại không gắn bó với công ty", ông nói.
Ngoài ra, VNPT cũng như các doanh nghiệp bình thường khi làm dự án phải tuân theo luật đấu thầu, nhưng lĩnh vực công nghệ có nhiều đặc thù riêng. Trong một số trường hợp đơn vị gặp phải vấn đề chỉ có một đến hai nhà thầu nên buộc phải tự sản xuất công nghệ mình cần. Theo ông Lý Quốc Chính, khó khăn này nằm ở vấn đề chính sách.
Ông Lý Quốc Chính, Giám đốc Công nghệ VNPT Technology.
-
16h01
Các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của bộ ngành hay không?
Trả lời câu hỏi, đại diện Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Y tế đều khẳng định, doanh nghiệp trong nước hiện nay đủ năng lực và công nghệ để hợp tác trong các dự án của Nhà nước.
Ông Trần Quý Trường, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Y tế chia sẻ các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có đủ điều kiện để giải bài toàn về quản lý y tế, bệnh viện của ngành. Tuy nhiên có ba nội dung các doanh nghiệp chưa quan tâm hoặc đầu tư ít do nhiều yếu tố là bệnh án điện tử, phần mềm lưu trữ - truyền tài hình ảnh và trí tuệ nhân tạo trong y tế. Theo ông Trần Quý Trường, đây là những lĩnh vực bộ Y tế đang rất mong muốn tìm kiếm được đối tác trong thời gian tới.
Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Phú Hà, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ thêm, bản chất của các cơ quan nhà nước là có những quy định chặt chẽ, với một số thể chế, để thay đổi cần nhiều thời gian. Đây cũng là rào cản đối với các doanh nghiệp.
Ông Trần Quý Trường.
"Chúng ta không có cơ chế duy trì vận hành hệ thống hay cơ chế hoàn thiện, doanh nghiệp muốn tham gia cùng cơ quan nhà nước thường gặp nhiều khó khăn", ông nói.
Theo ông, để ứng dụng công nghệ hoặc giải pháp cần cả một quá trình, để triển khai mất trung bình cần 2 năm, cần sự chỉ đạo sát sao. Các doanh nghiệp đã tham gia cùng nhà nước cần có trách nhiệm, phối hợp hài hoà để chứng minh được lợi ích.
-
15h50
Doanh nghiệp thảo luận làm sao để đưa giải pháp công nghệ ra thị trường
Mở đầu phiên thảo luận, điều phối viên Hữu Bằng đặt câu về cách các doanh nghiệp đưa giải pháp công nghệ ra thị trường và kinh nghiệm kết nối thị trường để tiêu thụ sản phẩm?
Trả lời câu hỏi, ông Lương Tuấn Thành, Giám đốc công nghệ, Tập đoàn CMC cho rằng, doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm mà không biết cách sale, marketing hay không biết cách chuyển miễn phí cho cộng đồng thì khó tiếp cận thị trường. Nhiều doanh nghiệp làm ra sản phẩm tốt nhưng nhiều chưa truyền được thông điệp tới khách hàng và thu hút họ mua hàng. Theo ông, mỗi khách hàng nếu có trải nghiệm tốt sẽ có người truyền thông điệp cho cộng đồng.
Các diễn giả bước vào phiên thảo luận.
Bàn về vấn đề này, ông Lê Minh Quốc, Giám đốc Kỹ thuật Công ty MK Smart cho biết, doanh số xuất khẩu của doanh nghiệp tại thị trường nước ngoài chiếm 60-70%. "Việt Nam có tâm lý sử dụng hàng ngoại hơn dù người Việt có thể làm được những sản phẩm đó", ông nói.
Đại diện MK hy vọng có thể tháo gỡ được vấn đề này. Ngoài ra, ông cũng mong muốn có sự cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa doanh nước ngoài với doanh nghiệp Việt Nam.
-
15h37
Rào cản trong lĩnh vực chuyển đổi số Việt Nam
Ông Hoàng Nguyên Vân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ SAVIS cho biết, hạn chế rào cản chuyển đổi số hiện nay đối với doanh nghiệp công nghệ là thiếu kết nối, chia sẻ, tin cậy bền vũng giữa các doanh nghiệp; đối với các tổ chức, doanh nghiệp là nhu cầu chuyển đổi số rất lớn để gia tăng hiệu quả lao động sản xuất giá trị thặng dư của doanh nghiệp. Nhìn chung rào cản cải cách thủ tục hành chính cơ quan nhà nước còn chậm, thiếu kết nối chia sẻ dữ liệu công khai minh bạch cho doanh nghiệp và người dân.
Đại diện SAVIS tại Diễn đàn Doanh nghiệp Công nghệ.
Trong khi đó, với cơ quan nhà nước, việc chuyển đổi số còn chậm và thiếu đồng bộ; chính sách và hướng dẫn chưa cụ thể rõ ràng. Do đó rào cản chính là chính sách đầu tư công thuê mua dịch vụ công nghệ thông tin còn chưa cụ thể dẫn đến hạn chế trong việc thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực công. Cơ quan nhà nước cần có hướng dẫn cụ thể của Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính.
Ông Vân cũng đưa ra những rào cản cụ thể trong các ngành ngân hàng, mảng giáo dục, y tế...
"Câu chuyện chuyển đổi số không phải một sớm một chiều. Trọng tâm là phát triển Chính phủ số, vấn đề chính sách là yếu tố quan trọng giúp kết nổi giữa doanh nghiệp và nhà nước. Hướng tới tổ chức doanh nghiệp không giấy tờ, giải quyết triệt để vấn đề làm việc qua nhiều cửa", đại diện SAVIS nhấn mạnh.
-
15h30
Công nghệ nhận diện khuôn mặt được ứng dụng trong nhiều ngành
Tiếp theo chương trình, ông Dư Thái Hùng - Giám đốc Trung tâm CNTT - Tổng công ty viễn thông MobiFone giới thiệu về giải pháp nhận diện khuôn mặt.
Đại diện MobiFone nói về công tác chuyển đổi số tại MobiFone.
MobiFone đang tích cực trong công tác chuyển đổi số, trong đó công nghệ AI nhận diện khuôn mặt được đơn vị đầu tư nhiều nguồn lực. Giải pháp nhận diện khuôn mặt của MobiFone tự động nhận diện khuôn mặt, hoặc cá nhân từ một bức ảnh, video bất kỳ. Hệ thống sử dụng công nghệ AI để so sánh đặc điểm khuôn mặt từ những hình ảnh đã lưu trữ trước đó.
Sản phẩm tự động nhận diện khuôn mặt sử dụng trí tuệ nhân tạo để so sánh khuôn mặt, có độ chính xác cao, dễ dàng tích hợp. Hệ thống nhận diện khuôn mặt này có thể thu thập hình ảnh của tất cả những người cần được nhận diện, tải vào hệ thống riêng và được lưu trữ trên BigData...
Ưu điểm của hệ thống này là không cần sự tương tác của người dùng, tốc độ nhận diện nhanh... Hệ thống thiết kế theo mô hình phân tán, hỗ trợ các tập cơ sở dữ liệu lớn.
Các tính năng nổi bật gồm: giám sát an ninh, chấm công, chăm sóc khách hàng, báo cáo... Ngoài ra, người dùng có thể điểm số lượng người ra vào, phân tích cảm xúc trên khuôn mặt, phát lời chào qua loa hệ thống, xác minh hồ sơ...
Theo ông Hùng, hệ thống nhận diện khuôn mặt được ứng dụng để chống đánh cắp nhận dạng, dịch vụ khách hàng, ngân hàng số, theo dõi tội phạm, ngăn cản các hoạt động giao dịch vi phạm an ninh, tự động check in trong hàng không, xuất nhập cảnh, thực hiện giao dịch an toàn ở bất cứ đâu qua lớp nhận diện khuôn mặt.
-
15h16
Tổng giám đốc VCCorp giới thiệu về mô hình chuyển đổi số
Nguyễn Thế Tân - Tổng giám đốc VCCorp cho biết, gần như các doanh nghiệp trên thế giới đã thực hiện chuyển đối số. Ông đưa ra một số ví dụ điển hình với mô hình dịch vụ, ôtô, bất động sản, nhà hàng, du lịch...
"Muốn phục vụ khách hàng, phải nhìn nhận đúng về hoạt động và nhu cầu của khách hàng trên môi trường số", ông khẳng định. Đại diện VCCorp cũng đưa ra nhóm giải pháp như qua các kênh website, Facebook, Apps; qua quảng cáo; giải pháp content marketing; ecom, sale (theo đuổi bán hàng), Loyalty (phiếu giảm giá, chương trình khuyến mại, tích điểm, chuyển đổi user từ Grab/Now); Patnership Solution (hợp tác kênh bán sản phẩm, công cụ đại lý hợp tác phân phối sản phẩm, trao đổi user, Crossale, phiếu giảm giá).
Theo ông Tân, 80% doanh số tới từ khách hàng cũ, nhưng hầu hết các công ty hiện nay mất data hoặc có mà không sử dụng được. Để giải quyết vấn đề này, ông Tân đề xuất việc tư vấn dựa trên trải nghiệm khách hàng, mô hình tổng quan và triển khai tổng quát.
Tổng giám đốc VCCorp Nguyễn Thế Tân.