Trong buổi sáng Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ với sự tham dự và chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bàn về cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Việt, đồng thời tuyên bố chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ cho một Việt Nam hùng cường.
Buổi chiều sự kiện bắt đầu từ 13h45 nhưng nhiều đại biểu nghỉ trưa ngay tại hội trường hoặc có mặt từ sớm. Diễn đàn tiếp tục bàn về giải pháp kết nối các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Ngoài những vấn đề các doanh nghiệp gặp phải, nhiều nhận định, đánh giá thẳng thắn về tính cập nhật cũng như những rào cản trong lĩnh vực ICT tại Việt Nam được trao đổi sôi nổi.

Các đại biểu tại phiên buổi của chiều của Diễn đàn.
Các Bộ đang làm gì với chuyển đổi số?
Mở đầu phiên tọa đàm buổi chiều, ông Lê Phú Hà - Cục trưởng Cục CNTT và Dữ liệu tài nguyên môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường chia sẻ về việc ứng dụng công nghệ trong ngành. Ông cho biết thời gian qua Bộ đã ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả trong nhiều lĩnh vực trong đó có xây dựng, vận hành Chính phủ điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin trong thu nhận dữ liệu; tuyên truyền, phổ biến hoạt động an toàn an ninh. Bên cạnh đó, nhiều ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, cơ chế một cửa... Lãnh đạo Bộ này đề xuất 7 giải pháp kết nối doanh nghiệp công nghệ tài nguyên và môi trường.

Ông Trần Quý Trường - Đại diện Bộ Y tế.
Xây dựng ngành y tế thông minh cũng là thông tin đáng chú ý mà ông Trần Quý Trường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế chia sẻ tại Diễn đàn. Vị này cho biết, Bộ đã xây dựng nhiều đề án, kế hoạch nhằm tiếp cận với công nghệ hiện đại trong lĩnh vực khám chữa bệnh.
"Ngành Y tế đang từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý công nghệ thông tin. Bộ cũng đưa ra tiêu chí rõ ràng cho mô hình bệnh viên thông minh. Đặc biệt, Bộ hướng tới không sử dụng bệnh án giấy và thanh toán tiền mặt trong bệnh viện", ng Trần Quý Trường nói.
Để xây dựng nền y tế thông minh, đại diện Bộ Y tế đề xuất những mục tiêu, biện pháp cụ thể. Mục tiêu chung là ứng dụng và phát triển công nghệ thông minh trong y tế, góp phần xây dựng hệ thống y tế. Trong đó, riêng Bộ này đưa ra 18 nhiệm vụ trọng tâm để hiện thực hóa mục tiêu về ngành y thông minh đã đề ra.
Doanh nghiệp ít quan tâm đến an toàn công nghệ
Sau các thông tin chia sẻ từ các cơ quan quản lý, lần lượt đại diện các doanh nghiệp công nghệ lớn gồm Viettel, VNPT, CMC, MK Smart, VCCorp, MobiFone, SAVIS tham gia 2 phiên thảo luận về hệ sinh thái sản phẩm công nghệ và nhu cầu chuyển đổi số.
Trong các vấn đề nêu ra, đáng chú ý là thông tin "khoảng 50% doanh nghiệp sử dụng ít các giải pháp an toàn công nghệ thông tin" do ông Lương Tuấn Thành, Giám đốc công nghệ, Tập đoàn CMC chia sẻ. "Doanh nghiệp đi càng nhanh sẽ càng tiềm ẩn nguy cơ về an toàn, an ninh mạng", vị chuyên gia IT này lo ngại.
Quan tâm đến mô hình chuyển đổi số, Tổng giám đốc VCCorp Nguyễn Thế Tân khẳng định gần như các doanh nghiệp trên thế giới đã thực hiện chuyển đối số. Ông đưa ra một số ví dụ điển hình với mô hình dịch vụ, ôtô, bất động sản, nhà hàng, du lịch... "Muốn phục vụ khách hàng, phải nhìn nhận đúng về hoạt động và nhu cầu của khách hàng trên môi trường số", ông nói.

Ông Lương Tuấn Thành, Giám đốc công nghệ, Tập đoàn CMC chia sẻ thông tin.
Phần tranh luận sôi nổi và tạo nên không khí của Diễn đàn là phiên đối thoại giữa các doanh nghiệp với các cơ quan quản lý tìm ra các giải pháp để phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.
Các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của bộ ngành hay không? Doanh nghiệp đang gặp những khó khăn gì? Giải pháp háo gỡ những khó khăn đang gặp phải là gì? Đây là ba câu hỏi lớn được các diễn giả đề cập nhiều nhất.
Trong phần đề xuất giải pháp, đại diện MK Smart - Lê Minh Quốc mong muốn Bộ trưởng cụ thể hoá "sandbox", giải quyết những khiếu nại trong thời gian cụ thể, từ đó, đưa ra những quy định cụ thể để các doanh nghiệp có vướng mắc được giải quyết ngay với thời gian cụ thể; Bộ có trách nhiệm liên kết với các Bộ khác trong việc áp dụng công nghệ.
Đại diện VCCorp thì kiến nghị phân nhóm doanh nghệ công nghiệp dựa trên giá trị họ tạo ra. Ông cũng đề cao vai trò của nguồn lực - con người, và đưa ý kiến về việc trao đổi cùng ngành thuế để xem nên đánh thuế tối đa hay tối thiểu để phát triển doanh nghiệp công nghệ.
"Tôi cho rằng, việc cởi mở về mặt thông tin là cần thiết. Nhà nước phải sẵn sàng tin tưởng giao việc cho doanh nghiệp tư nhân; đối xử một cách công bằng giữa các khu vực doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp trong nước và ngoài nước", ông Lương Tuấn Thành, Giám đốc công nghệ Tập đoàn CMC bổ sung vào kiến nghị chung.
Thị trường công nghệ Việt Nam còn lỗ hổng
Ghi nhận các ý kiến chia sẻ của các doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết sẽ tiếp nhận và tổng hợp trước khi gửi báo cáo đến Thủ tướng vào tháng 6 tới. Ông gọi các doanh nghiệp công nghệ tại diễn đàn là "anh em".
Phát triển doanh nghiệp công nghệ là vấn đề mới, Bộ trưởng cho rằng nên cần làm thử để thấy những ưu nhược điểm để giải quyết triệt để hơn là đưa ngay ra một giải pháp ngắn hạn.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết sẽ gửi các ý kiến của doanh nghiệp công nghệ lên Thủ tướng.
Lĩnh vực nội dung số ở Việt Nam là ngành hoàn toàn có thể phát triển tốt, người Việt Nam đã làm được. Nhưng doanh thu nội dung số đáng lẽ phải là 4 tỷ đô thì nay chỉ mới đạt một tỷ đô. Bên cạnh đó, Việt Nam đang đi ngược lại xu thế chung của thế giới là tỷ lệ ăn chia cho nhà mạng nhiều hơn đơn vị sản xuất nội dung số.
Bộ trưởng cũng cho rằng thị trường còn nhiều lỗ hổng. Đơn cử như hoạt động quảng cáo đang đi theo hướng thiếu kiểm soát về nội dung. Nhiều hoạt động quảng cáo vi phạm quy định của Nhà nước nhưng chưa thể xử lý triệt để. Thực trạng này có phần nào trách nhiệm của những doanh nghiệp.
Kết thúc phần chia sẻ Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh ICT là thành phần chính trong cuộc cách mạng số tại Việt Nam, các doanh nghiệp nếu có thể chung tay với Bộ thông tin và Truyền thông sẽ tạo nên bước thay đổi mạnh mẽ trong tương lai.
Xem diễn biến chính