Càng lắm doanh nghiệp đầu mối, nhà nước càng bù lỗ nhiều. |
Giá xăng dầu thế giới lên xuống thất thường nên các cơ quan quản lý liên tục điều chỉnh thuế suất nhập khẩu, theo chiều hướng: khi giá giảm, thuế suất tăng; khi giá tăng, thuế suất giảm. Từ đầu năm đến nay, thuế nhập khẩu xăng dầu được điều chỉnh đến 13 lần (trong đó chỉ có hai lần giảm). Thời gian từ lúc ban hành đến khi có hiệu lực chỉ cách nhau 1-2 ngày khiến các doanh nghiệp chưa kịp nhận thông báo thì thuế mới đã có hiệu lực. Do vậy, nhiều công ty khi ký hợp đồng giá xăng dầu cao, thuế suất thấp; nhưng hàng trên đường về thì giá giảm, thuế nhập khẩu tăng, đành chấp nhận lỗ.
Trong khi đó, hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị đầu mối ngày càng nhiều. Trong 10 doanh nghiệp được cấp quota nhập khẩu, mới chỉ 4 đơn vị có kho cảng. Trong khi chờ xây dựng kho cảng, 6 đơn vị được đặc cách cho sang mạn trên biển để vận chuyển về các kho thuê. Nhưng phần lớn hàng được bán ngay trên biển. Kinh doanh cách này giảm được chi phí (không phải khấu hao kho cảng, thuê kho), nên giảm được giá bán buôn, giành được khách của đơn vị khác. Tình hình này khiến các doanh nghiệp đầu mối thi nhau hạ giá, chênh lệch giữa giá thành và giá bán buôn chỉ vài chục đồng/lít. Rốt cục số kinh doanh sang mạn lãi ít, còn số đầu tư kho cảng tồn hàng nhiều, phải chấp nhận bán lỗ.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc thành lập nhiều doanh nghiệp đầu mối chỉ làm rối thị trường và gây thiệt hại lớn cho các đơn vị quốc doanh. Thực tế, nhiều doanh nghiệp được cấp phép 2-3 năm rồi vẫn chưa xây dựng kho cảng. Có đơn vị xây dựng kho rồi, nhưng cầu cảng chỉ bằng nửa thiết kế ban đầu, tàu lớn không vào được, vậy là họ có lý do để tiếp tục kinh doanh sang mạn.
Cách tính thuế theo tỷ lệ giá thị trường thay đổi liên tục dễ gây rủi ro cho nhà kinh doanh. Theo các doanh nghiệp, mỗi khi điều chỉnh, Chính phủ cần tính thời gian hiệu lực thi hành kể từ ngày ký hợp đồng nhập hàng thay vì ngày tàu về như hiện nay.
SGGP