Khảo sát "HSBC Navigator - Hồi phục trở lại", được thực hiện với hơn 1.400 công ty tại 7 nền kinh tế lớn của châu Á gồm Australia, Hong Kong, Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc, Malaysia và Singapore.
Kết quả cho thấy, so với các khu vực khác, châu Á có xu hướng tin rằng số hóa quy trình thương mại và thanh toán sẽ trở nên thông dụng trong một đến hai năm nữa, với tỷ lệ 55% so với con số 38% của toàn cầu.
Ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam đánh giá, Covid-19 đã đẩy các doanh nghiệp vào cuộc khủng hoảng chưa từng có. Tuy nhiên, trong thời kì khó khăn này, ngày càng cho thấy công nghệ chính là giải pháp tối ưu để giúp các doanh nghiệp và cả nền kinh tế, sống sót trong suốt thời gian kéo dài giãn cách xã hội.
Theo ông, những công ty nào đã đầu tư và xây dựng chiến lược số hóa từ trước chính là những nơi được thiết lập để có thể nhận diện thách thức thực tế, thích ứng và phát triển trong thế giới biến đổi một cách đáng kể như hiện nay. "Chúng ta đang chứng kiến các công ty ở Việt Nam khai thác sức mạnh của công nghệ để đáp ứng kịp thời", ông cho biết thêm.
Bên cạnh việc cho thấy rõ những lợi ích của số hóa, Covid-19 đã soi chiếu những điểm yếu trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp. Theo kết quả khảo sát, 54% doanh nghiệp châu Á nói sẽ tăng tính minh bạch và khả năng truy xuất trong chuỗi cung ứng của mình. Trong khi đó, 37% cho biết sẽ đánh giá lại các đối tác cung ứng nhằm đảm bảo có đủ khả năng đương đầu những thách thức trong tương lai.
Theo ông Tim Evans, ở Việt Nam, EVFTA vừa được phê chuẩn tháng 6/2020 đã nâng tầm quan trọng của việc phải thiết kế lại chuỗi cung ứng để thỏa mãn những quy định từ EU và tận dụng hết cơ hội mà hiệp định này mang lại. Đồng thời, dịch bệnh là lời cảnh báo cho các doanh nghiệp phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng để tránh rủi ro tập trung khi phụ thuộc vào một thị trường cụ thể.
Khi được yêu cầu mô tả một doanh nghiệp với tố chất bền bỉ, các công ty châu Á nghĩ đến 3 yếu tố hàng đầu là: khả năng quyết định và tiến hành nhanh nhẹn, lấy khách hàng làm trọng tâm, và hoạt động một cách bền vững. Còn khi được yêu cầu nêu những rào cản hàng đầu đối với sự hồi phục, họ liệt kê các yếu tố tài chính như có đủ dòng tiền và quản lý chi phí vốn lưu động.
Khảo sát cũng cho biết, các công ty ở châu Á cảm thấy đã được chuẩn bị sẵn sàng để có thể đương đầu những thách thức trong nửa đầu năm 2020. Hơn một nửa các doanh nghiệp cho biết đã được chuẩn bị nhiều nhất có thể, con số này cao hơn nhiều so với các công ty ở những khu vực khác trên thế giới.
Riêng với Việt Nam, ông Tim Evans, đánh giá thêm, nhờ thực hiện những biện pháp kiểm soát dịch hiệu quả cho tới nay và việc dần mở cửa trở lại một cách thận trọng, Việt Nam ngày càng trở thành một điểm đến kinh doanh hấp dẫn.
Viễn Thông