Không có phòng máy lạnh, lối vào lót ván, sân vườn trải sỏi, cầu bắc qua kênh, nhiều cây lá ven lối đi là nét duyên riêng của Cung Trầm. Ảnh: Vũ Lê. |
Khám phá được thị hiếu khách Sài Gòn ưa chuộng vẻ đẹp xưa của Nam Bộ, anh Bảo đã cùng một người bạn góp tiền hùn hạp mở một quán cà phê đậm chất dân dã và đặt tên là Cung Trầm. Anh chia sẻ với VnExpress.net: "Ý tưởng này bắt nguồn từ tình yêu làng quê mộc mạc, sẵn có mảnh vườn nhà bỏ trống, tôi đã cùng một người bạn cải tạo và đầu tư xây một quán cà phê giản dị".
Nghề chơi cũng lắm công phu, anh Bảo tiết lộ, từ ý tưởng đi đến thực hiện là khoảng cách rất lớn. Để có được một không gian vừa riêng tư vừa ấm cúng mang dáng dấp Nam Bộ, anh đã phải săn tìm người thiết kế khá lâu mới ưng ý.
Với suất đầu tư khoảng 300 triệu đồng trên khuôn viên khu vườn cũ bên hông nhà, Cung Trầm đã duyên dáng ra đời và chiếm được tình cảm của nhiều vị khách từ đứng tuổi đến sinh viên, học sinh.
Vách đắp đất sét trộn rơm, đèn vàng lấp ló sau những cây chổi xế quét bếp tạo nên một dáng dấp chân quê gần gũi cho Cung Trầm. Ảnh: Vũ Lê. |
Bước vào Cung Trầm trên đường Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận, TP HCM là một thế giới hoàn toàn tách biệt với đường phố ồn ào khói bụi bên ngoài. Không có phòng kín hay máy điều hòa nhưng nơi này được bày trí như một góc vườn nhà thoáng đãng với nhịp cầu bắc qua con kênh nhỏ có cá bơi lội tung tăng, vách giả bùn đắp rơm, suối chảy róc rách, tranh thêu hình cây cau và dây trầu, vài cây ăn quả và hoa như mận, khế, sen... Thậm chí những mái lá nơi này cũng đượm hồn quê, từng ngọn đèn vàng được thắp trong mấy ống tre cũ kỹ hoặc ẩn mình sau cây chổi xế cùn... nhưng khách đến quán lại nhớ mãi và luôn quay trở lại.
Không đặc sệt chất Nam Bộ như Cung Trầm nhưng Hội An quán của chị Nhung lại chiếm được cảm tình của thực khách nhờ đặc sản và hương vị xứ Quảng trong từng món ăn và cách bày trí. Chủ quán không ngại tiết lộ, để có được một quán ăn đặc sệt nét miền Trung, chị đầu tư lên đến gần 2 tỷ đồng.
Tọa lạc trên đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 12, quận 10, Hoài Phố (một tên gọi khác của Hội An quán) không chỉ có những món ăn mang từ phố Hội (Quảng Nam) vào Sài Gòn mà còn ẩn chứa nét duyên ngầm bởi không gian đặc biệt được cách điệu đầy dụng ý.
Kiểu nhà cổ đặc trưng của Hội An với mái ngói, cổng gỗ có treo đèn lồng, cầu thang đặt bên ngoài hiên dẫn lên gian gác nhỏ đã tái tạo lại khung cảnh của phố cổ giữa lòng Sài Gòn. Ảnh: Vũ Lê. |
Từ bên ngoài cổng nhìn vào, Hoài Phố giống như một căn nhà nhỏ ở Hội An với mái âm dương, đèn lồng treo lủng lẳng, một bên hiên nhà có cầu thang gỗ dẫn lối lên gian gác nhỏ phía trên. Mỗi bàn ăn ở đây đều có ánh sáng tự nhiên lọt vào nhà, qua khung cửa kính, bất cứ ai đến đây đều reo lên một cách thú vị khi bắt gặp một bức tường cũ có treo lủng lẳng những nồi ơ xoong chảo đầy lọ nghẹ đen ngòm. Thậm chí khi đến quán, thực khách còn có dịp ngắm nghía khung cửa sổ bạc màu lấp ló phía sau ô cửa kính cách nhiệt của phòng máy lạnh.
Chị Nhung, chủ quán chia sẻ" Tôi mua mảnh đất này cách đây chưa đầy 1 năm trên nền một nhà kho xập xệ. Thế nhưng tôi đã may mắn tìm được người thiết kế có thể hài hòa được dụng ý ẩm thực kết hợp với văn hóa cho quán".
Chị kể lại, theo gợi ý của kiến trúc sư, khi đập bỏ nhà kho cần phải khéo léo giữ lại vách tường cũ kỹ, tìm mua bằng được khung cửa sổ bạc màu sơn, đinh ốc ghỉ sét và những vật dụng trong nhà bếp treo lên vách tường. Hiệu ứng này khiến cho khách đến quán có cảm giác như đang được ngồi ăn ngay trong nhà mình từ những ngày tháng xa xưa chỉ còn trong kỷ niệm hoặc nhìn sang gian bếp của nhà hàng xóm ấm áp tình quê.
Từ bên trong Hội An quán nhìn qua khung cửa kính lấp ló những nồi, ấm, xoong nhỏ đầy mụi khói, lại có cả khung cửa sổ cũ tạo cảm giác đang ngồi giữa gian bếp trong ngôi nhà cổ của thập niên 60-70. Ảnh: Vũ Lê. |
Che miệng cười duyên dáng, chị Nhung tâm sự: "Để có được những nồi ơ xoong chảo đầy lọ nghẹ treo trên vách nhà kho, tôi đã săn lùng rồi năn nỉ một người quen bán lại vật dụng cũ trong bếp và mua đồ mới bồi thường cho họ".
Một khách quen của Hoài Phố vì quá yêu thích khung cảnh nơi này đã bạo dạn đòi đặt tiệc cưới để "khỏi đụng hàng" với những nơi tổ chức tiệc chuyên nghiệp tại Sài Gòn. Sau đám cưới, vị khách này đắc ý khoe bộ ảnh độc nhất vô nhị và rối rít cảm ơn chủ quán đã biệt đãi.
Khảo sát của VnExpress.net, những kiểu quán cà phê và nhà hàng ăn uống na ná như Cung Trầm hay Hoài Phố không còn mới lạ ở Sài Gòn mà đã rộ lên những năm gần đây. Nếu lấy khu trung tâm làm mốc đổ ra các quận ngoại thành có vô số những cái tên quen thuộc với những nét độc đáo rất riêng như: cà phê Thềm xưa (quận 1), Sỏi Đá, 27, Một Thuở (quận 3), nhà hàng Nhà Xưa (quận 5), làng nướng Nam Bộ (quận 3 và Tân Bình), cà phê Sen (quận Bình Thạnh)... Những hàng quán này gặp nhau ở một điểm chung là thổi hồn quê vào khung cảnh Sài Gòn nhộn nhịp.
Một doanh nhân có thâm niên trong ngành ẩm thực và giải khát tại TP HCM phân tích, thị hiếu của người Sài Gòn rất khác lạ so với các vùng miền khác. Họ ăn lấy vị, uống lấy hương, chủ yếu cần không gian để gợi nhớ kỷ niệm, ưa chuộng văn hóa dân tộc và đặc biệt thích những đặc sản từ các vùng miền khác nhau của đất nước. Đó cũng chính là lý do ngày càng có nhiều người không tiếc tiền đầu tư mở hàng quán đượm vẻ chân quê nhưng dung dị để kinh doanh, càng tôn thêm tính hội tụ văn hóa đa dạng và phong phú của Sài Gòn.
Vũ Lê