![]() |
Mẫu đồng phục mới của học sinh nữ trường Mầm non bán công 20/10. |
Tháng 7-8 hàng năm là mùa cao điểm để giới kinh doanh đồng phục học sinh "cháy máy may" vì phải hoạt động hết công suất, chuẩn bị giao hàng đến các trường kịp chuẩn bị năm học mới. Khâu tiếp thị mẫu mã, chất liệu và cả hậu mãi đã kết thúc vào tháng 5. Nhiều trường đón trước nhu cầu, còn đặt may đồng phục cho học sinh ngay từ tháng 6. Bước vào hè cũng là khởi động mùa kinh doanh đồng phục cho học sinh của cả nhà trường và nhà kinh doanh.
Theo các cơ sở kinh doanh đồng phục học sinh tại TP HCM, nét mới của nhu cầu đồng phục học sinh năm nay là các trường đưa mẫu mã hoặc tự thiết kế đồng phục cho học sinh trường để đặt hàng nhà sản xuất. "Nếu mọi năm phải chuẩn bị ít nhất 20 mẫu đồng phục học sinh để tiếp thị đến các trường, thì năm nay chúng tôi chỉ giới thiệu có 4 mẫu. Hầu như không có trường nào chọn mẫu sẵn mà đều đề nghị may kiểu riêng", ông Trần Phương Minh, Quản lý Bộ phận đồng phục học sinh của Công ty Trantourco cho biết.
Hiệu trưởng trường Mầm non bán công 20/10 Trần Thị Ngọc Lan cũng cho biết: "Trường thiết kế đồng phục riêng để tạo nét đặc trưng cũng như có thể thay đổi một số chi tiết trên đồng phục cho phù hợp với thị hiếu của phụ huynh".
Đối với học sinh lứa tuổi mầm non, mẫu giáo, chất liệu phù hợp và phổ biến nhất được lựa chọn là thun cotton 30. Theo giới kinh doanh vải sợi, loại thun cotton 30 thấm hút mồ hôi kém, mặc nóng và sợi vải mỏng nên dễ bị dãn, chảy vải chỉ sau vài lần giặt. Các trường nhỏ, vùng sâu thường chọn loại chất liệu vải này vì ưu điểm giá rẻ, phù hợp túi tiền của đại bộ phận phụ huynh có thu nhập thấp. Các trường lớn thường có khuynh hướng chọn loại chất liệu vải thun cotton 65% pha 35% sợi PE, thấm hút tốt, mặt vải dày và bền hơn loại vải cotton 30. Tuy nhiên, chi phí cho một bộ đồng phục học sinh may bằng vải cotton 65% đắt hơn 8.000-10.000 đồng.
![]() |
Đồng phục thể dục của học sinh khối mầm non. |
Nhu cầu của các trường hiện nay rất lớn, sức cung của các cơ sở may mặc lại có hạn. Do đó, thị trường đồng phục học sinh được xem như mặt hàng kinh doanh đem lại lợi nhuận lớn. Chị Trần Việt Nga, cơ sở may và bán đồng phục học sinh tại chợ Tân Bình, quận Tân Bình cho biết, vào đầu mỗi năm học cơ sở này tiêu thụ khoảng 5.000 bộ đồng phục cho học sinh lớn chủ yếu là bán lẻ tại chợ. "Rất nhiều phụ huynh mua đồng phục đi học cho con nhưng cơ sở tôi không thể đáp ứng được", chị Nga nói.
Ông Trần Phương Minh, Công ty Trantourco, tiếc rẻ vì không thể đáp ứng được hết nhu cầu của các trường. "Chúng tôi vừa từ chối hợp đồng 5.000 bộ đồng phục cho học sinh trường Nguyễn Thượng Hiền vì không thể nào may và giao kịp trong vòng 10 ngày theo yêu cầu của họ", ông Minh giải thích. Theo ông Minh, hầu như các trường đều thay đổi đồng phục mới cho năm, thậm chí học sinh phải có ít nhất 2 bộ đồng phục (đồng phục thể dục và đồng phục thường xuyên). Nhu cầu rất lớn và hoàn toàn không có hàng tồn kho.
Trantourco đang cung cấp đồng phục học sinh cho hơn 100 khách hàng là nhà trường một cách ổn định, chưa kể nhiều trường khác đặt hàng theo nhu cầu. Công suất có thể đáp ứng được nhu cầu khách hàng của Trantourco là 60.000 bộ đồng phục. Do đó vào mùa kinh doanh đồng phục, Trantourco phải huy động hơn 50 cơ sở gia công để có thể đảm bảo giao hàng đúng thời hạn. "Nhiều trường đặt hàng, mặc dù rất muốn nhưng chúng tôi phải từ chối vì không đủ sức để cung cấp nữa", ông Minh cho biết.
Hiện nay những nhà chuyên cung cấp đồng phục học sinh cho trường học không nhiều, có thể kể các tên tuổi chính như công ty Thắng Lợi, Việt Thắng, Trantourco; phần lớn còn lại là các cơ sở gia công, may mặc nhỏ và người bán quần áo may sẵn ở các chợ lấy hàng từ các điểm gia công. Các cơ sở nhỏ này do họ thường sử dụng chất liệu chất lượng thấp để giảm giá thành nhằm mục đích cạnh tranh. Hiệu trưởng một trường mầm non tại quận 8 cho biết, năm học trước trường này đặt hàng may đồng phục tại một cơ sở may mặc tư nhân ở trong quận. Quần áo mới mặc được 1 tháng, trường đã bị phụ huynh đến mắng vốn vì vải bị xơ rách, mau xuống nước, xuống màu.
Theo khảo sát của VnExpress tại khu dệt vải Bảy Hiền, quận Tân Bình, nơi xuất xứ chính của các loại vải cotton 30 thì giá bán chỉ khoảng 38.000 đồng/kg đối với vải thun màu trắng. Vải thun màu giá cao hơn 2.000-3.000 đồng/kg. Mỗi kg vải may được 4 bộ đồng phục học sinh mầm non. Nếu cộng cả tiền công, chi phí nguyên phụ liệu, in ấn..., giá thành gốc của một bộ đồng phục học sinh mầm non chỉ khoảng 16.000-18.000 đồng. Nếu sử dụng chất liệu cotton 65% thì giá gốc khoảng 23.000-25.000 đồng/bộ.
Đối với đồng phục học sinh lớn hơn, giá cao hơn 5.000-10.000 đồng/bộ tùy theo kích cỡ của học sinh. Tuy nhiên giá thực bán tại các trường học mà phụ huynh phải đóng tiền mua thường cao hơn giá thành gốc ban đầu do cơ sở may mặc giao khoảng 5.000- 10.000 đồng, thậm chí hơn. Theo giải thích của hiệu trưởng một trường học tại quận Bình Thạnh thì "phần chênh lệch để bù chi phí giao dịch và công chuẩn bị cho nhà trường".
Phan Anh