Chúng tôi đều đồng ý rằng bảo tàng là không gian sống động giúp chúng ta hiểu sâu sắc về lịch sử và văn hóa của địa phương này. Ngoài ra, cách thức vận hành của các bảo tàng cũng rất thú vị và giúp chúng tôi mở rộng kiến thức.
Bảo tàng đóng vai trò là "bộ mặt" của địa phương, nơi giới thiệu những giá trị văn hóa và lịch sử đặc sắc cho khách thập phương. Các tư liệu quý giá được lựa chọn và sắp xếp công phu thành những câu chuyện hấp dẫn, giúp người tham quan cảm nhận được sự quan tâm và khác biệt văn hóa của địa phương đó. Một thành phố có nhiều bảo tàng về lịch sử thể hiện sự trân trọng và niềm tự hào của người dân đối với di sản của các thế hệ đi trước. Một thành phố sở hữu những bảo tàng nghệ thuật lớn được đầu tư và chăm chút kỹ lưỡng chứng tỏ đời sống tinh thần của người dân ở đây phong phú. Để có thể cảm thụ được giá trị của các tác phẩm nghệ thuật, cần một nền tảng văn hóa và giáo dục tốt - điều mà những bảo tàng này góp phần xây dựng. Những giá trị văn hóa và lịch sử này càng được làm nổi bật khi chúng được trưng bày bên cạnh các tư liệu hoặc bộ sưu tập từ một địa phương khác, thuộc về một nền văn hóa khác, tạo nên sự so sánh trực quan, giúp du khách dễ dàng cảm nhận sự đa dạng và độc đáo của từng nền văn hóa.
Khi đến thăm các quốc gia phát triển, chúng tôi nhận thấy nhiều bảo tàng tại đây thường có khu vực trưng bày ngắn hạn (temporary exhibitions). Những hiện vật trong khu này thường được cho mượn từ các bảo tàng khác, các tổ chức giáo dục nghệ thuật, hoặc từ các nhà sưu tập tư nhân trong khoảng thời gian từ vài tháng đến nửa năm. Ngoài ra, các bảo tàng đôi khi sử dụng chính bộ sưu tập chưa công khai của mình để tạo sự mới mẻ cho khách tham quan. Việc thiết lập các khu triển lãm ngắn hạn không chỉ mang đến cho du khách cơ hội chiêm ngưỡng nhiều giá trị độc đáo mà còn giúp bảo tàng thu hút khách quay trở lại nhờ sự đổi mới không ngừng. Trong lĩnh vực kinh doanh, mục tiêu duy trì khách hàng quay lại thường được chú trọng hơn, bởi chi phí marketing để giữ chân khách hàng cũ thường thấp hơn so với việc thu hút khách hàng mới. Tuy nhiên, việc thiết lập các khu triển lãm ngắn hạn không phải là điều dễ dàng, do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Đầu tiên là do giá trị cao của những tư liệu và hiện vật này, các bên cho mượn thường đưa ra yêu cầu rất khắt khe đối với bảo tàng tiếp nhận. Những yêu cầu này bao gồm các tiêu chuẩn kỹ thuật như điều kiện ánh sáng, độ ẩm - yếu tố rất quan trọng để bảo quản các tác phẩm nghệ thuật; ngoài ra còn có yêu cầu về an ninh như hệ thống camera giám sát, thiết bị chống cháy nổ, và biện pháp bảo vệ hiện vật khỏi tác động trực tiếp từ khách tham quan.
Thứ hai là tính chất hợp tác "có qua có lại". Không chỉ dừng lại ở việc mượn hiện vật từ nơi khác, bảo tàng cũng phải đáp ứng yêu cầu cho mượn các bộ sưu tập của mình. Điều này đòi hỏi bảo tàng sở hữu những hiện vật thật sự đặc biệt, gắn liền với các câu chuyện hấp dẫn và được bảo quản theo quy trình cụ thể. Bên mượn cần tuân thủ nghiêm ngặt những hướng dẫn thao tác để bảo vệ giá trị của hiện vật.
Thứ ba, và cũng là yếu tố quan trọng nhất: đội ngũ nhân sự. Một câu hỏi lớn luôn được đặt ra là liệu bảo tàng có đủ nhân lực đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ bên cho mượn hay không. Điều này bao gồm việc có những nhân viên có kinh nghiệm hoặc đã được đào tạo để thao tác với các hiện vật dễ bị tổn thương, điều phối dòng khách tham quan nhằm giảm thiểu rủi ro, cũng như ứng phó linh hoạt trong các tình huống khẩn cấp. Ngoài ra, đội ngũ bảo tàng còn cần khả năng hiểu rõ các hợp đồng phức tạp, với nhiều điều khoản và thuật ngữ chuyên ngành mà đôi khi cần xử lý cẩn trọng ngay cả khi là ngôn ngữ mẹ đẻ.
Trở lại với câu chuyện của các bảo tàng tại Việt Nam, lượng khách tham quan ngày càng gia tăng là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy sự cải thiện rõ rệt trong chất lượng cuộc sống và sự quan tâm của công chúng đối với giá trị văn hóa, tinh thần. Điều này cũng phản ánh nỗ lực của các bảo tàng trong việc nâng cao chất lượng phục vụ và đầu tư vào cơ sở vật chất, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách tham quan.
Bên cạnh đó, học hỏi từ mô hình triển lãm ngắn hạn của các nước phát triển có thể thúc đẩy du khách quay lại một cách bền vững. Việc tham gia vào các chương trình trao đổi hiện vật hoặc hợp tác với các bảo tàng, tổ chức nghệ thuật nước ngoài không chỉ giúp làm phong phú thêm các khu trưng bày, mà còn mang đến góc nhìn đa dạng về văn hóa, lịch sử và nghệ thuật quốc tế. Đây cũng là cơ hội để giới thiệu di sản văn hóa của Việt Nam ra thế giới, góp phần xây dựng hình ảnh quốc gia trên bản đồ văn hóa toàn cầu.
Với sự đầu tư và định hướng này, bảo tàng Việt Nam có thể dần trở thành những điểm đến văn hóa thú vị, nơi không chỉ thu hút khách tham quan mới mà còn giữ chân du khách quay lại, khám phá những câu chuyện và giá trị văn hóa trong từng giai đoạn trưng bày. Điều này sẽ tạo động lực cho bảo tàng không ngừng phát triển và góp phần quan trọng vào công cuộc bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc.
Phạm Trung Tuấn