Kim Jong-un trong chuyến thăm một đơn vị quân sự tiền tiêu hồi tháng 3. Ảnh: AFP |
Dù đối mặt với nhiều chỉ trích của cộng đồng quốc tế về sự hiếu chiến và khiêu khích, không thể phủ nhận rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un rất biết cách lôi kéo báo chí quốc tế quan tâm tới đất nước mình.
Tính riêng trong một tháng qua, theo nghiên cứu của LexisNexis, nhà cung cấp dịch vụ thông tin hàng đầu cho các chuyên gia trong lĩnh vực pháp lý, quản lý rủi ro, chính phủ và học thuật..., tỷ lệ bài viết về Triều Tiên ở các tờ báo lớn tăng 49% so với tháng trước. Trong nhiều tuần liền, những lời đe dọa liên tiếp từ chính quyền Kim Jong-un luôn bao trùm giờ cao điểm của các kênh phát thanh và truyền hình.
Thống kê của Google Trends cho thấy tỷ lệ tìm kiếm với từ khóa Triều Tiên trong một tháng qua tăng lên mức cao nhất suốt nhiều năm. Đồ họa: Google Trends |
Mọi người đều nhận thức rằng việc Triều Tiên dùng kho vũ khí hạt nhân để đe dọa không phải là mới, nhưng tại sao đây vẫn là chủ đề tin tức nóng nhất tháng?
Ngoài mặt, Kim Jong-un dùng lại chiêu thức cũ của người cha quá cố: đe dọa phương Tây về hủy diệt bằng hạt nhân để được đáp ứng nhu cầu. Nhưng thực tế, nhà lãnh đạo này đang thực hiện một công thức mới có tính toán theo hướng nhỏ giọt, đó là mỗi ngày đưa ra một lời đe dọa khác nhau.
Ví dụ, hôm 4/4, Bình Nhưỡng dọa đã phê duyệt kế hoạch tấn công hạt nhân Mỹ. Về cơ bản, tuyên bố này không khác nhiều so với những đe dọa trước đó, như dọa thực thi quyền "tấn công hạt nhân phủ đầu" Washington. Tuy nhiên, ngôn ngữ lần sau đã được tinh chỉnh hơn lần trước để tạo cho tin tức tính khả thi.
Sự sáng tạo trong những lời đe dọa của Kim Jong-un gây ngạc nhiên cho chính các nhà quan sát tình hình dày dạn nhất. "Dường như người Triều Tiên sắp tuôn ra hết những lời đe dọa rồi", Scott Snyder, một nhà nghiên cứu cao cấp về vấn đề Triều Tiên, thuộc Hội đồng Quan hệ Nước ngoài, một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận của Mỹ nói hồi đầu tháng ba. Thực tế, không khí trên bán đảo Triều Tiên vẫn đang nóng dần lên.
Ngay lúc này, những lời đe dọa nhỏ giọt mới đang khiến cả thế giới dõi theo. Mới đây, hôm 5/4, Triều Tiên khuyến cáo ngoại giao đoàn các nước sơ tán nhân viên khỏi Bình Nhưỡng, cho hay "chính phủ Triều Tiên sẽ không thể đảm bảo sự an toàn của các sứ quán và những tổ chức quốc tế trong nước trong trường hợp xung đột xảy ra từ ngày 10/4".
Nước này đồng thời đưa hai tên lửa tới bờ biển phía đông, đặt chúng lên bệ phóng, làm dấy lên dự đoán Triều Tiên sắp phóng tên lửa.
Nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong-un đang thực hiện một chiến dịch quảng bá hình ảnh hoàn hảo. Triều Tiên trở thành tâm điểm tranh cãi đúng như dự định. Dù có lúc bác bỏ những đe dọa của Bình Nhưỡng là phô trương, Nhà Trắng vẫn phải khẳng định đang cân nhắc nghiêm túc những cảnh báo này và thực hiện "mọi biện pháp cần thiết" để ứng phó trong trường hợp khẩn cấp.
Thống kê dưới đây cho thấy công chúng Mỹ cũng không thể cưỡng lại trước "sức hấp dẫn" của Triều Tiên.
Dù là theo cách nào, Kim Jong-un cũng đã có được sự chú ý của dư luận như mong muốn.
Thống kê cho thấy Mỹ là nước có tỷ lệ tìm kiếm các vấn đề về Triều Tiên cao nhất thế giới. Mức 100, mức tối đa trong thống kê của Google Trends, được hiển thị bằng màu xanh đậm nhất. Đồ họa: Google Trends |
Anh Ngọc (theo Foreign Policy)