Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm qua thị sát một nhà máy đóng tàu ngầm, tỏ ra hài lòng với quá trình đóng "tàu ngầm mạnh mẽ của Triều Tiên". Truyền thông Triều Tiên không tiết lộ tính năng kỹ thuật và vũ khí có thể trang bị cho tàu ngầm, nhưng cho biết nó sẽ hoạt động ở vùng biển Nhật Bản sau khi được biên chế.
"Với một quốc gia có bờ đông và tây giáp biển, tính năng chiến thuật của tàu ngầm là một yếu tố quan trọng của nền quốc phòng. Triều Tiên gần tiếp tục phát triển năng lực phòng thủ bằng việc tăng cường lực lượng hải quân, trong đó có tàu ngầm", Kim Jong-un phát biểu.
Bình Nhưỡng đang biên chế ít nhất 70 tàu ngầm, nhưng chỉ một số ít có khả năng phóng tên lửa đạn đạo. Bình Nhưỡng dường như cũng đã chế tạo được đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ trang bị cho tên lửa phóng từ tàu ngầm.
Một số chuyên gia cho rằng tàu ngầm Triều Tiên đã quá lạc hậu và ồn ào, dễ bị phát hiện từ xa. Tuy nhiên, giới chức quốc phòng Hàn Quốc thừa nhận khoảng 50 tàu ngầm Triều Tiên từng đột ngột biến mất khỏi màn hình giám sát của họ hồi năm 2015.
Quan hệ Washington - Bình Nhưỡng gần đây được cải thiện sau các hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước, đặc biệt là cuộc gặp bất ngờ tại biên giới liên Triều hôm 30/6. Sau cuộc hội đàm riêng khoảng 40 phút, Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Kim Jong-un nhất trí tái khởi động đàm phán phi hạt nhân. Tuy nhiên, quan chức Hàn Quốc hôm 20/7 cho biết Seoul và Washington vẫn tập trận chung vào tháng 8 bất chấp phản đối từ Bình Nhưỡng.
Vũ Anh (Theo Reuters)