Trong các bức ảnh được hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố hôm 4/12, lãnh đạo Kim Jong-un mặc áo măng tô màu be, cưỡi ngựa trắng dẫn đầu đoàn tùy tùng lên núi thiêng Paektu. Theo sau ông là phu nhân Ri Sol-ju và các quan chức cấp cao Triều Tiên.
Thoạt nhìn, những bức hình này giống như các tấm ảnh tuyên truyền thông thường, tuy nhiên, theo giới chuyên gia, chúng ẩn chứa đằng sau một thông điệp quan trọng.
Paektu, ngọn núi cao nhất Triều Tiên, tương truyền là nơi khởi thủy của dân tộc Triều Tiên, có ý nghĩa vô cùng linh thiêng với người dân nước này.
Kim Jong-un thường tới thăm núi Paektu trước khi đưa ra các quyết định quan trọng và đây cũng là nơi ủy ban trung ương đảng Lao động Triều Tiên sẽ tổ chức một cuộc họp trong vài tuần nữa nhằm thảo luận "những vấn đề cấp thiết", song chưa rõ nội dung cụ thể.
Theo Leonid Petrov, chuyên gia về Triều Tiên kiêm giảng viên cao cấp tại Trường Quản trị Quốc tế Sydney, các bức ảnh Kim Jong-un cưỡi bạch mã trên núi thiêng rõ ràng có mối liên kết với một "hạn chót" quan trọng mà Triều Tiên đặt ra.
Hồi tháng 4, sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai không đạt được kết quả mong đợi, Kim Jong-un cảnh báo Mỹ phải thay đổi cách tiếp cận trong đàm phán của mình trước ngày 31/12, nếu không "triển vọng giải quyết vấn đề sẽ trở nên ảm đạm và rất nguy hiểm".
Đến tháng 10, các nhà đàm phán hàng đầu Triều Tiên tiếp tục nhắc lại hạn chót 31/12 này, đe dọa sẽ tiếp tục các vụ thử hạt nhân, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nếu Mỹ không đưa ra được một đề xuất khả thi để tạo bước đột phá trong phi hạt nhân hóa bán đảo.
Triều Tiên gần đây liên tục thử tên lửa tầm ngắn và pháo phản lực siêu lớn, dường như nhằm gây áp lực và nhắc nhở Mỹ về sức mạnh quân sự của họ cũng như hạn chót đã đặt ra. Theo giáo sư Petrov, những bức ảnh mới nhất của Kim Jong-un hàm chứa ý nghĩa rằng Triều Tiên sắp đưa ra một thông điệp quan trọng.
"Có vẻ như chúng ta đang đứng giữa ngã tư đường trong quan hệ Mỹ - Triều và dường như thời gian đang cạn dần", ông nhận xét. "Triều Tiên đang phát đi một thông điệp mạnh mẽ ở cả trong và ngoài nước. Với người dân Triều Tiên, việc lãnh đạo của họ cưỡi ngựa trắng trên ngọn núi thiêng có thể mang ý nghĩa rằng một quyết định quan trọng hoặc một thay đổi lớn về chính sách sắp diễn ra".
Dựa vào những thông tin trên truyền thông nhà nước Triều Tiên, Petrov cho rằng Kim Jong-un có thể đã sẵn sàng chấm dứt lệnh cấm thử hạt nhân, tên lửa sau những bế tắc trong quá trình đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ - Triều.
Theo ông, Triều Tiên nhiều khả năng sẽ xây thêm các cơ sở hạt nhân và thử thêm nhiều tên lửa đạn đạo mới. "Kịch bản đáng sợ nhất là một vụ thử hạt nhân trên không", thay vì tiến hành trong lòng núi như trước đây, Petrov cho hay.
Trước khi mối quan hệ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bắt đầu được cải thiện, Bình Nhưỡng đã tuyên bố thử thành công một quả bom nhiệt hạch tại cơ sở trong lòng núi vào năm 2017 và thông báo họ "rất nghiêm túc" trong việc thực hiện "bước tiếp theo" là thử hạt nhân trong khí quyển.
Dù các nỗ lực ngoại giao hạt nhân ban đầu phát huy hiệu quả, giúp dẫn tới việc Triều Tiên cam kết ngừng thử hạt nhân, tên lửa, tiến trình này lại đang lâm vào ngõ cụt, làm gia tăng khả năng Bình Nhưỡng thực hiện "bước tiếp theo".
Petrov nhận định các bức ảnh mới nhất của Kim Jong-un cùng thông điệp rõ ràng phía sau nó là điều đặc biệt đáng lo ngại đối với các nước láng giềng như Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, cũng như Mỹ và đồng minh.
"Tiến trình ngoại giao phải được nối lại càng sớm càng tốt, trước khi quá muộn, và đồng hồ thì đang điểm", ông cảnh báo.
Theo Petrov, thông điệp năm mới của Kim Jong-un vào ngày 1/1 năm sau sẽ hé lộ thêm thông tin về "bước tiếp theo" của Triều Tiên và liệu "cánh cửa cơ hội" có đóng lại không trong bối cảnh Tổng thống Trump đang bị Hạ viện điều tra luận tội, khiến ông khó có thể tập trung cho nỗ lực xúc tiến đối thoại Mỹ - Triều.
"Dù Triều Tiên năm ngoái thể hiện sự nhiệt tình rất lớn, nước này giờ đây từ chối đối thoại với Seoul, cáo buộc Hàn Quốc thân Mỹ, đạo đức giả và hung hăng", Petrov nói. "Có lẽ đến cuối năm nay, chúng ta sẽ phải quay lại với tình thế như trước đây và Triều Tiên sẽ bắt đầu thử nghiệm hạt nhân".
"Không ai và không điều gì có thể ngăn họ. Những thứ Triều Tiên kỳ vọng từ các hội nghị thượng đỉnh với Trump không diễn ra, các lệnh trừng phạt không được dỡ bỏ và không có bất cứ sự đảm bảo nào về an ninh, buộc họ phải tiếp tục phát triển các biện pháp an ninh của riêng mình", giáo sư này nhận định.
Vũ Hoàng (Theo Sydney Morning Herald)