"Hàng hóa xuất khẩu của Ukraine đang bị phong tỏa ở Biển Đen. Ukraine cùng thế giới một lần nữa đứng trước bờ vực của cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Ấy vậy mà giới chức Ba Lan lại nói rằng châu Âu sẽ đóng cửa với ngũ cốc Ukraine", Phó thủ tướng Ukraine Olha Stefanishyna nói hôm 20/7.
Bà kêu gọi các đối tác châu Âu hợp tác nhằm đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu và "sự sống còn" của nền kinh tế Ukraine, đồng nghĩa với việc không cản trở nguồn hàng xuất khẩu của nước này.
Phó thủ tướng Stefanishyna cũng cho rằng nên có cơ chế bù đắp cho nông dân Ukraine, "những người tiếp tục làm việc trên đồng ruộng bất chấp nguy hiểm tính mạng".
5 nước châu Âu gồm Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia ngày 19/7 ra tuyên bố chung kêu gọi EU cho phép họ gia hạn lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine, sẽ hết hiệu lực vào ngày 15/9.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nhấn mạnh rằng Ba Lan sẽ đóng cửa biên giới với ngũ cốc Ukraine nếu yêu cầu nói trên không được đáp ứng. "Hoặc là các cơ chế và quy định phù hợp sẽ được triển khai sau ngày 15/9 để ngăn chặn sự bất ổn của thị trường Ba Lan, hoặc là chính phủ Ba Lan sẽ đơn phương thực hiện lệnh cấm cùng với những người bạn từ các quốc gia khác", ông Morawiecki nói.
Xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen bị gián đoạn kể từ khi Nga mở chiến dịch hồi tháng 2/2022, khiến Kiev càng phụ thuộc vào các tuyến vận chuyển qua Đông Âu. Ngũ cốc Ukraine sau đó được vận chuyển qua EU đến các quốc gia khác, trong đó có châu Phi.
EU hồi tháng 6/2022 bỏ tất cả thuế và hạn ngạch với ngũ cốc Ukraine xuất khẩu sang 27 quốc gia thành viên, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ nước này. Tuy nhiên, lượng lớn ngũ cốc Ukraine kẹt lại ở các nước Đông Âu. Nông dân Ba Lan, Bulgaria, Hungary, Slovakia và Romania cáo buộc nguồn ngũ cốc giá rẻ nhập khẩu từ Ukraine là nguyên nhân gây khó khăn cho sản phẩm nội địa.
Nga hôm 17/7 dừng gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Thỏa thuận được Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian đàm phán và ký tại Istanbul vào tháng 7/2022, cho phép Ukraine tiếp tục xuất khẩu ngô, lúa mì và các loại nông sản bằng đường biển. Để thuyết phục Nga tham gia sáng kiến, Liên Hợp Quốc đã đồng ý hỗ trợ Moskva xuất khẩu lương thực và phân bón. Tuy nhiên, Nga nói rằng những điều khoản này không được thực hiện.
Ngọc Ánh (Theo Ukrayinska Pravda)