Trong lúc cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ trở nên khốc liệt, các nhà hoạch định chính sách ở Trung Quốc ngày càng hoang mang khi các tổ chức tư vấn và chuyên gia kinh tế mà họ triệu tập để tham vấn chỉ chăm chăm đưa ra những "lời nói ngọt" và "thông tin chắt lọc" nhằm tránh làm mếch lòng lãnh đạo, SCMP hôm 22/10 dẫn các nguồn tin thân cận với chính phủ Trung Quốc và giới quan sát.
Hồi đầu năm, khi Trump bắt đầu đưa ra lời đe dọa áp thuế, giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn tin rằng họ có thể thuyết phục Washington không gây ra cuộc đối đầu thương mại. Với lời khuyên từ các cơ quan tư vấn, họ cho rằng Trump chỉ là một Tổng thống bốc đồng và sẽ dễ dàng hài lòng khi Trung Quốc chấp nhận mua thêm một số hàng hóa của Mỹ.
Khi Phó thủ tướng Lưu Hạc tới Washington vào tháng 2 và tháng 3, ông đưa ra đề xuất mua thêm một loạt hàng hóa của Mỹ, nhưng danh sách các mặt hàng này lại được phía Trung Quốc chuẩn bị một cách "quá vội vàng", theo một nguồn tin của Politico. "Những danh sách kiểu này lẽ ra phải được lên từ sớm hơn rất nhiều như một phần của chiến lược toàn diện, không phải là giải pháp tình thế được vạch ra trong đêm trước cuộc họp quan trọng", nguồn tin nói.
Đề xuất này của Trung Quốc không làm chính quyền Trump hài lòng và căng thẳng thương mại tiếp tục gia tăng. Hồi tháng 4, một chuyên gia kinh tế nổi tiếng của Trung Quốc vừa có chuyến thăm Mỹ kể trong một hội thảo ở Đại học Thanh Hoa rằng trong khi các tổ chức tư vấn và cơ quan hoạch định chính sách ở Mỹ đã gần hoàn thiện các kế hoạch hành động thương mại với Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn "bình chân như vại".
"Dựa trên những gì được truyền thông nhà nước và các quan chức đưa ra, Trung Quốc dường như không sẵn sàng cho cơn bão thương mại sắp ập đến. Cảm giác chung lúc đó là quan hệ Mỹ - Trung vẫn trong tầm kiểm soát và theo quỹ đạo bình thường", chuyên gia kinh tế này nói.
Đến ngày 6/7, Trump quyết định áp thuế 25% với gần 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, khiến Bắc Kinh vội vàng chống trả bằng đòn áp thuế tương tự. Lúc này, các quan chức Bắc Kinh bắt đầu tỏ ra giận dữ khi các chuyên gia trong nước đều đưa ra những lời khuyên dè dặt, chủ yếu để phục vụ lợi ích cho những bộ ngành hậu thuẫn họ, các nguồn tin nói.
"Dù các tổ chức tư vấn này đều trực thuộc nhà nước, lập trường của họ đối với cuộc chiến thương mại rất khác nhau", một nguồn tin nói. Trong một số trường hợp, các chuyên gia được triệu tập lại không nghiên cứu đầy đủ về vấn đề mà mình được mời đưa ra lời khuyên.
Khi Trump liên tiếp tung ra các đòn đánh mới, tiếp tục áp thuế với 200 tỷ hàng hóa Trung Quốc và rút khỏi Liên minh Bưu chính Thế giới nhằm gây khó dễ cho hoạt động thương mại điện tử toàn cầu của Trung Quốc, giới lãnh đạo Bắc Kinh bắt đầu chỉ trích những cơ quan tư vấn đưa ra lời khuyên, ý tưởng cho chính phủ.
"Một số cơ quan tư vấn cho rằng Trung Quốc cần phải đẩy mạnh hơn nữa cải cách kinh tế, trong khi số khác khẳng định phải duy trì lập trường cứng rắn với Mỹ", một nguồn tin cho biết. "Sự khác biệt trong quan điểm của các tổ chức tư vấn này là rất lớn, nhưng điều đó là bình thường. Điều gây thất vọng lớn nhất là một số cơ quan tư vấn không chịu nói sự thật".
Khi giới lãnh đạo Bắc Kinh muốn tìm hiểu tâm tư của các doanh nhân nước ngoài trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, một số cơ quan tư vấn trực thuộc bộ ngành của chính phủ đã tìm cách "gạn lọc" thông tin mà họ thu thập được từ các kênh liên lạc từ các văn phòng xúc tiến thương mại quốc tế và các bộ có liên quan.
Việc cung cấp các thông tin kiểu "gạn lọc" này được cho là nhằm không làm mất lòng lãnh đạo các bộ ngành quản lý trực tiếp những tổ chức tư vấn đó, nhưng chúng lại khiến các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh không có được cái nhìn toàn cảnh và chính xác về cách nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận về căng thẳng đang lên trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung.
Hai nghiên cứu viên thuộc Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc hồi tháng 5 tiến hành một nghiên cứu về tác động của đòn áp thuế Mỹ với tăng trưởng GDP Trung Quốc. Dựa trên các số liệu thống kê của Mỹ, họ kết luận rằng tăng trưởng GDP Trung Quốc chỉ bị giảm khoảng 0,2%, tương tự kết quả nghiên cứu được các đơn vị tư vấn khác công bố.
Điều này làm dấy lên nghi ngờ rằng các chuyên gia này có thể đã cố tình điều chỉnh số liệu để cho ra kết quả "hợp lý". Một cựu quan chức thương mại Trung Quốc nói rằng con số này thiếu chi tiết, không xét tới những khác biệt về cấu trúc và thay đổi trong chuỗi cung ứng giữa hai nước.
"Các chuyên gia và quan chức Trung Quốc lúc đầu tưởng rằng đòn áp thuế của Trump chỉ phục vụ cho cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ sắp tới ở Mỹ và mọi thứ sẽ thay đổi sau đó", một cựu cố vấn chính sách giấu tên của Mỹ cho biết. "Họ đã hoàn toàn nhầm và hiểu sai tình thế. Tôi cho rằng đây là hậu quả của việc họ ngày càng trở nên tách biệt và không ai dám nói với Bắc Kinh rằng họ đã sai".
Định hướng chính trị
Trung Quốc hiện có hơn 500 tổ chức tư vấn, so với hơn 1.800 tổ chức tương tự ở Mỹ. Phần lớn các đơn vị tư vấn này đều trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ và được tăng ngân sách hỗ trợ đáng kể trong những năm gần đây.
Các tổ chức tư vấn này đã lọt vào danh sách những cơ quan tư vấn hàng đầu thế giới năm 2017 do Viện Lauder thuộc Đại học Pennsylvania công bố hồi đầu năm. Tổ chức tư vấn hàng đầu Trung Quốc được xếp hạng 29 trong tổng số 170 tổ chức trên toàn cầu.
Hồi tháng 7, để tăng cường năng lực nghiên cứu, đề xuất chính sách chống lại đòn tấn công thương mại của Trump, Bộ Tài chính Trung Quốc đã lần đầu tiên lập liên minh 20 tổ chức tư vấn của nước này. Liên minh gồm các cơ quan tư vấn mạnh nhất đến từ Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, Bộ Thương mại, Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao và một số trường đại học hàng đầu của nước này.
Tuy nhiên, tính hiệu quả của liên minh bị nhiều người hoài nghi khi vấn đề chính trị nhiều khi được đặt lên trên chất lượng thông tin. "Bè phái, cô lập và chỉ phục vụ cấp trên trực tiếp của mình là vấn đề kinh niên trong các cơ quan tư vấn của Trung Quốc", Li Zhongshang, giáo sư Đại học Nhân Dân, người từng làm việc cho Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và đại sứ quán Trung Quốc ở Australia, nói.
"Dù đã được cấp ngân sách dễ dàng hơn trong vài năm qua, nhiều chuyên viên tư vấn vẫn rất coi trọng việc đảm bảo nguồn ngân sách và sự hài lòng từ cấp trên của mình", Li nói. "Họ ít quan tâm hơn tới chất lượng nghiên cứu, vì biết rằng việc dùng kết quả nghiên cứu của mình tác động tới các nhà hoạch định chính sách là rất khó khăn. Điều này rất khác so với Mỹ, nơi các chuyên gia tư vấn có thể đưa các diễn viên, doanh nhân hay các chính trị gia nghiệp dư tiến vào trung tâm của nền chính trị".
Một số nghiên cứu viên thuộc liên minh này nói rằng các nghiên cứu của Trung Quốc về Mỹ không đủ sâu để giúp Bắc Kinh chuẩn bị tốt cho cuộc chiến thương mại với một Tổng thống Trump khó lường, người từng cam kết với cử tri sẽ ngăn chặn các hành động vi phạm thương mại của Trung Quốc.
"Nhiều chuyên gia nghiên cứu chỉ ngồi lỳ trước màn hình máy tính, không bao giờ chịu tham gia hoạt động thực địa nào", Li Guoqiang, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển thuộc Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, nói. "Không ai có thể dựa vào những nghiên cứu đó để xử lý các vấn đề trong thực tiễn".
Trong lúc đó, Trung Quốc thắt chặt công tác quản lý tư tưởng, đặc biệt là với giới học giả, nghiên cứu, yêu cầu họ luôn chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương của đảng. Bất cứ cuộc thảo luận vượt thẩm quyền nào về chính sách của chính phủ đều có thể khiến các học giả này bị kỷ luật. Điều này khiến một số cố vấn Trung Quốc và nhà ngoại giao phương Tây lo ngại rằng các đề xuất, kiến nghị của họ có thể bị gạn lọc, chỉnh sửa để "phù hợp về chính trị" trước khi đến được với các lãnh đạo cấp cao nhất.
Một cựu quan chức Mỹ thường xuyên tới Trung Quốc cho biết các cố vấn và quan chức Trung Quốc từng trao đổi rất cởi mở với ông gần đây đang trở nên ngày càng kín tiếng, ngay cả trong các cuộc nói chuyện riêng. "Càng lúc càng khó để biết được họ đang nghĩ gì, vì họ chỉ lặp lại quan điểm chính thức của chính phủ", cựu quan chức này nói. "Điều này sẽ dẫn tới nguy cơ đưa ra quyết định sai lầm cao hơn, thậm chí là cả sai lầm chí mạng".
Dường như việc thiếu các nguồn thông tin đáng tin cậy khiến giới lãnh đạo Trung Quốc đến nay vẫn lần lữa chưa đưa ra quyết định về động thái tiếp theo trong chiến tranh thương mại với Mỹ. "Trung Quốc trước mắt nhiều khả năng sẽ duy trì lập trường 'chờ và xem' khi Trump đóng vai trò dẫn dắt cuộc chiến thương mại", một nguồn tin nói.
Tuy nhiên, Chen Wenling, chuyên gia kinh tế chính tại Trung tâm Giao lưu Kinh tế Quốc tế Trung Quốc có quan hệ mật thiết với chính phủ Trung Quốc, tự tin rằng Bắc Kinh sẽ trụ vững trước đòn thương mại của Trump và Washington cuối cùng sẽ phải nhượng bộ. "Trung Quốc phải đáp trả và không ngần ngại tung đòn đau vào Mỹ", bà Chen nói trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 9.
Theo Chen, chiến tranh thương mại kéo dài sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế Mỹ và người dân nước này sẽ cảm thấy nỗi đau đó khi "men say" về cắt giảm thuế, sự khởi sắc của thị trường chứng khoán và sự cải thiện của thị trường việc làm tan hết. "Người Mỹ sẽ thức tỉnh từ cơn cuồng Trump và nhận ra cái giá phải trả cho các chính sách của ông", bà nói. "Nhận thức méo mó hiện nay của họ sẽ biến mất trong nửa cuối năm nay, khi hậu quả của chiến tranh thương mại bắt đầu ngấm tới người tiêu dùng".
Xu Changchun, chuyên gia nghiên cứu chiến lược của Trung tâm Giao lưu Kinh tế Quốc tế Trung Quốc, cho rằng với mức độ gắn kết của kinh tế Mỹ - Trung như hiện nay, đòn áp thuế của Trump chỉ là "lưỡng bại câu thương". "Chúng tôi như hai người anh em. Khi hòa thuận, chúng tôi có thể phất lên cùng nhau", Xu tuyên bố. "Nhưng một khi môi hở, răng nhất định sẽ lạnh".