Thủ tướng Phạm Minh Chính chiều 19/5 gặp kiều bào, tri thức người Việt khi ông tới Nhật Bản dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tại thành phố Hiroshima. Hiện có gần 500.000 người Việt học tập, sinh sống, làm việc tại Nhật và là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai ở quốc gia này, sau Trung Quốc.
Ông Nguyễn Duy Anh, Hiệu trưởng Học viện Nhật ngữ GAG tại Fukuoka, kiêm Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Fukuoka, cho biết cộng đồng người Việt đã tổ chức nhiều lớp dạy tiếng Việt cho thế hệ thứ hai sinh ra và lớn lên tại đây. Hội cũng mời một số chuyên gia, giảng viên trường đại học giảng dạy cho các bạn có mong muốn trở thành giáo viên tiếng Việt.
Fukuoka thuộc Kyushu, đảo lớn thứ ba tại Nhật. Với gần 50.000 người Việt đang sinh sống, làm việc tại Kyushu, ông Duy Anh cho biết cộng đồng muốn có phố Việt Nam đầu tiên được lập tại Fukuoka. Ông mong có sự giúp đỡ của Thủ tướng, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Nhật Bản để ý tưởng này thành hiện thực.
Trao đổi với Thủ tướng, bà Cấn Thanh Huyền, chủ tịch Hội Doanh nhân Khởi nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản (VJAE), cho biết nhiều người Việt trẻ đang dấn thân vào con đường khởi nghiệp ở Nhật, với mong muốn đóng góp trở lại cho đất nước.
"Khởi nghiệp không chỉ mang lại cơ hội kinh doanh mà còn là công cụ gắn kết cộng đồng", bà Huyền nói.
Tuy nhiên, bà cho hay các CEO trẻ người Việt trong quá trình điều hành doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn với văn hóa kinh doanh và luật pháp nước sở tại. "Chúng tôi mong trong các cuộc tiếp xúc, Thủ tướng đề xuất lãnh đạo Nhật Bản tạo điều kiện hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp Việt", bà nói.
Ông Hoàng Tuấn Anh, thành viên Hiệp hội Thương mại Nhật - Việt tại Osaka, cũng mong muốn có cơ chế giúp đội ngũ tri thức đóng góp nhiều hơn cho đất nước. Theo ông, phần lớn lao động Việt Nam tại Nhật là thực tập sinh, trải qua môi trường làm việc có tiêu chuẩn, kỷ luật cao, nên sẽ cống hiến nhiều cho đất nước nếu có cơ chế đãi ngộ phù hợp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh tinh thần đổi mới sáng tạo, lập nghiệp của cộng đồng người Việt tại Nhật, bởi muốn phát triển nhanh, bền vững phải dựa vào đổi mới sáng tạo.
Ông cho hay hơn một năm từ thời điểm ông Kishida Fumio giữ cương vị Thủ tướng Nhật Bản, hai lãnh đạo đã có 6 cuộc gặp song phương và "lúc nào cũng đầy ắp công việc phải bàn".
"Việt Nam và Nhật Bản có mối lương duyên từ lâu, các cuộc gặp đều đi thẳng vào các vấn đề như dự án hợp tác, đúng với ý nghĩa hợp tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước. Khi mối quan hệ hai nước tốt đẹp, vấn đề công dân hai nước cũng tốt đẹp", Thủ tướng nói.
Nhật Bản là đối tác ODA lớn nhất của Việt Nam, đối tác lớn thứ hai về lao động, thứ ba về đầu tư và thứ tư về thương mại. Năm ngoái, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt gần 50 tỷ USD.
Thủ tướng cho biết Việt Nam luôn xác định cộng đồng người Việt ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc. Ông cho hay trước đây "về nước mới là yêu nước", nhưng hiện nay người Việt có thể đóng góp cho đất nước ở bất cứ đâu.
Thủ tướng mong muốn kiều bào tuân thủ luật pháp sở tại, hỗ trợ nhau trong cuộc sống. "Cán bộ đại sứ quán xem bà con như anh chị em trong nhà khi giải quyết, xử lý vấn đề về quyền, lợi ích hợp pháp công dân", Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Nhật Bản hôm nay và sẽ cùng lãnh đạo các nước dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng lần thứ 49 ngày 20-21/5. Đây là lần thứ ba Việt Nam tham dự hội nghị này và là lần thứ hai dự theo lời mời của Nhật Bản. Năm nay, Việt Nam là một trong hai nước Đông Nam Á được Nhật Bản mời, bên cạnh Indonesia.
Thủ tướng sẽ tham dự các phiên thảo luận chính của Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước dự hội nghị và gặp nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản.
Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng lần thứ 49 nằm trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G7 ngày 19-22/5. G7 gồm các quốc gia công nghiệp tiên tiến Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Canada và Italy, đóng vai trò quan trọng trong định hình và củng cố cấu trúc, quản trị toàn cầu.