Một nhóm nghiên cứu quốc tế vừa xác nhận hơi thở con người là nguyên nhân chính khiến kiệt tác hội họa "Tiếng hét" (The Scream) vẽ năm 1910 của danh họa Edvard Munch bị giảm giá trị. Bức tranh này nằm trong bộ sưu tập của bảo tàng Munch ở Oslo, Na Uy.
Các nhà khoa học Bỉ, Italy, Mỹ và Brazil cùng tham gia điều tra về bức tranh sau khi các giám tuyển của bảo tàng phát hiện nền hoàng hôn của tranh và phần cổ của nhân vật chính bắt đầu bị phai màu và chuyển sang trắng.
Ban đầu họ cho rằng giảm ánh sáng từ đèn có thể ngăn bớt sự hư hại. Nhưng các thử nghiệm sơ bộ cho thấy yếu tố ánh sáng không phải nguyên nhân làm hỏng bức "Tiếng hét".
Tạp chí Science Advances mới xuất bản có thông tin về bằng chứng rằng, họa sĩ Edvard Munch từng vô tình dùng sơn màu vàng cadmium không tinh khiết khiến màu bị phai và bong ra khi ở độ ẩm thấp.
"Khi con người hít thở sẽ tạo hơi ẩm tiết ra clorua mà nhìn chung chất này có ảnh hưởng xấu tới các bức tranh. Cho nên để tranh tiếp xúc với hơi thở của quá nhiều người tham quan sẽ không hề tốt", giáo sư Koen Janssens, Đại học Antwerp, trả lời tờ Guardian.
Phát hiện mới này sẽ được kết hợp đưa lên màn hình cạnh bức "Tiếng hét" ở bảo tàng Munch. Trong khi các nhà khoa học hy vọng tình trạng tranh được cải thiện khi thay đổi điều kiện trưng bày thì tranh lại có một vết nước màu nâu nằm ở góc trái dưới. Vết hư hại này xuất hiện sau khi bị hai kẻ bịt mặt đánh cắp cùng với bức Madonna vào ngày 22/8/2004. Hai bức tranh đều đã được lấy lại vào năm 2006.
Bảo tàng nghệ thuật Munch nằm ở thủ đô Oslo, Na Uy, là nơi trưng bày nhiều tác phẩm của danh họa Edvard Munch nhất thế giới. Hiện bảo tàng đóng cửa do Covid-19 nhưng có kế hoạch đón khách trở lại vào 15/6, giới hạn 50 người một lượt tham quan. Giờ mở cửa 10h - 16h từ thứ 2 đến chủ nhật. Bảo tàng cũng khuyến khích du khách khi tham quan lại sẽ giữ khoảng cách an toàn để tránh lây lan bệnh. Vé tham quan bảo tàng Munch 12 USD/người lớn, 6 USD/sinh viên và nhóm khách trên 10 người, người dưới 18 tuổi được miễn phí vé vào. |
Khánh Trần (theo AFP)