Vợ chồng em lấy nhau được 5 năm và có 2 con. Chồng em là cán bộ huyện. Công việc cơ quan của em không bận lắm nhưng về đến nhà là em tối mặt với việc nhà, con nhỏ. Mẹ chồng khó tính, thường xuyên giận dỗi con cháu. Em nghĩ ông bà ta nói "chồng khó thì ra, mẹ cha khó thì vào" nên em chấp nhận sống chung và cố gắng chiều mẹ chồng. Từ khi sinh cháu thứ 2, con em hay ốm, chồng thì lúc nào cũng nói nhiều việc, đi suốt, không nghỉ ngày nào kể cả thứ bảy, chủ nhật.
Bây giờ em giống như một cái máy làm việc nhà, đêm ru con ngủ xong là lăn ra giặt đồ, lau dọn, trong khi chồng nằm chơi game chán rồi ngủ. Em phàn nàn thì anh kêu mệt rồi bảo thuê người làm nhưng mẹ chồng không bao giờ chịu cho em thuê ai mặc dù bà không khi nào giúp em, kể cả việc phơi quần áo cho cháu hay nấu ăn. Vì không muốn cãi nhau nên em đã cố gắng để làm mọi việc nhưng gần như kiệt sức. Em phải làm gì để thoát khỏi tình cảnh hiện nay? (Mỹ Chuyên)
Trả lời
Chào em,
Đọc lá thư của em, tôi hiểu được những bức xúc khi sống trong một gia đình có nhiều thế hệ, lại không được chia sẻ, cảm thông. Chắc em đã phải chịu không ít ấm ức khi mọi việc nhà và con cái đang đổ dồn lên vai mình. Nhưng chính những suy nghĩ nhường nhịn và chấp nhận của em nên gia đình chồng và chồng em mới ỷ lại như vậy.
Chồng em cũng giống nhiều nam giới khác, với tư tưởng đàn ông là trụ cột của gia đình, đã phó thác toàn bộ việc nhà và chăm sóc con cái cho vợ. Bởi vậy, sau giờ làm, họ tự cho phép mình gác chân xem TV, đọc báo, để mặc bạn đời với trăm công nghìn việc. Cũng vì quan niệm “chồng khó thì ra, cha mẹ khó thì vào”, em đã luôn để bản thân bị thiệt thòi. Tiếng nói của em không còn giá trị đối với mọi người nữa, tất cả mọi việc trong nhà nghiễm nhiên rơi vào một tay em và mẹ chồng nghĩ em sẽ làm được hết mọi việc mà không cần người trợ giúp.
Để giải quyết được vấn đề của mình, bản thân em cần phải có những thay đổi. Chẳng hạn, lên tiếng về những khó khăn, vất vả của mình để người nhà hiểu, thể hiện mong muốn được mọi người giúp đỡ ra sao...
Với chồng, em rất muốn anh ấy thay đổi phải không? Để làm được điều đó, không phải chỉ là mong muốn mà em phải hành động. Để giúp anh ấy hiểu được suy nghĩ của vợ, có lẽ cần ở em sự chủ động và mạnh mẽ hơn với cuộc sống hằng ngày. Nếu em im lặng và chấp nhận làm các công việc đó thì mãi mãi sẽ không khiến chồng nhận ra được mình cần phải làm gì. Việc đóng góp kinh tế không thể thay thế được sự yêu thương của anh ấy với vợ con. Hôn nhân là sự gắn kết giữa hai người để cùng chia sẻ trách nhiệm và nghĩa vụ gia đình, hạnh phúc sẽ không tròn nếu chỉ một người chăm lo.
Về việc anh ấy chưa chia sẻ việc nhà với em, tôi muốn góp với em vài gợi ý sau:
- Ngồi cùng chồng bàn bạc về trách nhiệm của cả hai trong gia đình. Đây là cách em trao đổi để anh ấy nhận ra những thiếu sót của mình. Chồng em cần sắp xếp công việc cho hợp lý để dành thời gian chăm sóc gia đình, dạy dỗ con cái.
- Em có thể đưa ra những công việc cụ thể và yêu cầu chồng lựa chọn những việc anh ấy có thể làm hoặc muốn làm. Sau đó em nên thường xuyên nhắc nhở và giám sát để anh ấy có ý thức làm việc, hãy học cách khen ngợi nếu anh ấy làm tốt.
- Em hãy giúp anh ấy hiểu rằng những công việc này đã khiến em quá mệt mỏi và không có thời gian chăm sóc bản thân. Nếu cứ tiếp tục như thế thì tình cảm của em dành cho anh ấy sẽ khó tồn tại được. Thậm chí anh ấy không chăm sóc con cái cũng sẽ tạo khoảng cách giữa anh và các con.
Với mẹ chồng, em có thể nhờ mẹ giúp những việc trong nhà như đi chợ hay nấu nướng hoặc dọn dẹp nhà cửa... Đừng ngại, đó là trách nhiệm mà mỗi thành viên trong gia đình cần hỗ trợ lẫn nhau.
Hãy thẳng thắn trao đổi để mọi người hiểu được rõ mong muốn của em. Còn khi mọi người vẫn không trợ giúp thì việc có nên chung sống nữa hay không là một điều em cũng cần nghĩ tới. Hy vọng với sự nỗ lực của em, chồng và mẹ sẽ nhận ra rằng gia đình sẽ trở nên hạnh phúc hơn nếu biết sẻ chia và hỗ trợ nhau từ những việc đơn giản nhất. Chúc em thành công.
Chuyên gia tư vấn tâm lý Trịnh Thu Hà
Trung tâm tư vấn tình cảm Linh Tâm