Lấy chồng, người phụ nữ nào cũng mong có một điểm tựa bình an và gia đình luôn vui vẻ, nhưng không phải ai cũng được như ý muốn. Có người lấy phải ông chồng bạo hành, cũng có người thì cưới chồng nay cờ bạc mai rượu chè, lại có người gặp ông chỉ quen thói ăn sẵn, nghĩa là chẳng muốn làm bất cứ việc gì, phó mặc hết cho vợ.
Lười có thể là một thói quen nhưng chúng ta có thể cải tạo được anh xã nếu để ý câu nói và có phương pháp phù hợp để “trị” thói lười biếng của chồng.
Làm gì cơ?
Đây là câu nói khá thường xuyên của anh xã mỗi khi vợ phàn nàn về việc chồng không chịu giúp mình. Về đến nhà là chàng cắm đầu vào laptop hoặc TV. Chàng chẳng còn biết đến con cái và cơm nước ra sao, mặc cho bạn tối mắt tối mũi với đống công việc không tên. Chàng thờ ơ với mọi việc nhà, như thể đó không chuyện của mình.
Bạn muốn chàng làm việc cùng mình, nhưng bạn dễ mắc sai lầm giống nhiều bà vợ khác là hay phàn nàn dài dòng. Chẳng hạn: “Nhà cửa thì bừa bộn, con chẳng chịu ăn, quần áo để bốc mùi lên chưa kịp giặt, bếp thì bẩn... Sao anh cứ ngồi yên đấy mà cũng chịu được, dậy đi làm đi”. Chàng sẽ chẳng hiểu bạn đang định giục chàng làm việc gì đâu.
Vì thế, hãy gửi cho chàng thông điệp ngắn gọn: “Anh đứng lên đổ rác giúp em”, hoặc “Anh tắm cho con đi”. Chàng sẽ dễ hiểu hơn là những câu phàn nàn dài dòng đấy.
Để mai làm
Bóng điện cháy, ống nước bị rò, thậm chí cái tủ lạnh chẳng hiểu sao lại không đóng đá. Bạn có kêu ca phàn nàn thì chàng cũng chỉ ậm ừ cho có và phán một câu xanh rờn “để đấy, không làm thì đã chết ai”. Hầu hết vợ sẽ cảm thấy vô cùng tức giận với thói chây ỳ của chồng. Vợ không thèm nói gì và gọi thợ sửa ư? Đừng vội vàng làm như vậy bởi bạn đang tiếp tay cho thói lười của chồng đấy.
Hãy nói cho anh ta biết một số hậu quả, chẳng hạn bạn có thể nói “vì cái tủ lạnh mà hóa đơn tiền điện tháng này đã tăng lên bao nhiêu rồi”, hoặc: “Bếp tối thế này, con sẽ dễ va vào đồ vật và ngã”… Bạn nên kiên nhẫn nhắc nhở anh ấy và đừng vội nổi nóng nhé. Cái gì cũng cần thời gian mà.
Thôi, tiện tay em làm hộ anh đi
Bạn nhờ chồng phơi quần áo hoặc lau nhà, anh ấy thường đưa ra câu “tiện thể” để nhờ vả bạn. Có nhiều phụ nữ sau những lần phó mặc công việc cho chồng thấy không có kết quả đã ngao ngán bỏ cuộc và tự nhủ “thôi, mình làm cố cho xong vậy”. Đừng tự ôm đồm hết mọi việc, anh ấy hoàn toàn có khả năng, chỉ là bạn có biết cách khơi gợi sự hứng thú khi làm việc nhà của anh xã không mà thôi.
Hãy khích lệ anh ấy sau mỗi lần làm một việc gì đó, chẳng hạn: “Đấy, cứ bảo em làm, hôm nay anh lau nhà rõ sạch và còn thơm nữa”. Anh xã sẽ cảm thấy được khích lệ và hứng thú làm các công việc nhà hơn.
Bẩn một tí có sao đâu em
Bạn thấy nhà cửa bừa bộn, chăn chiếu lâu ngày không giặt, đi làm về anh xã vứt tất mỗi nơi một chiếc, quần áo cái lộn ngược cái lộn xuôi, vợ có phàn nàn thì vì ngại việc nên anh ấy sẽ nói rằng “bừa bộn một tí thì có làm sao”. Những nam giới có tính lười biếng thường rất bừa bãi, nhưng nếu chàng bày bừa đến đâu bạn dọn đến đó thì đương nhiên chàng sẽ cho rằng đó là công việc của bạn. Cho dù bạn có cáu kỉnh thì chàng cũng chẳng ngại vì ngày mai là mọi việc lại đâu vào đấy.
Vì thế, hãy học cách kiên nhẫn, thi gan với chàng, để nhà cửa bừa bộn cho đến khi chàng phải lên tiếng và lúc đó bạn sẽ có cơ hội chia sẻ ý kiến của mình với chàng. Học cách chia sẻ đúng thời điểm cũng là một bí quyết đấy.
Tùy em, muốn làm gì thì làm
Có những ông chồng lười động tay chân đã đành, lại có những ông lười cả suy nghĩ. Vợ muốn bàn bạc điều gì cũng buông câu “tùy em”. Đừng nghĩ là bạn đang được tôn trọng và được mọi quyền quyết định nếu như lúc nào anh ta cũng nói câu này nhé. Nếu không cẩn thận là việc gì cũng sẽ đến tay bạn đấy.
Cho nên, trong bất cứ trường hợp nào, vợ cũng đề nghị anh ấy phải ngồi bàn bạc cùng. Sau đó hãy liệt kê các công việc dự định làm và yêu cầu anh ấy lựa chọn trước, sau đó là phần của bạn. Những công việc nào bạn muốn anh ấy làm, bạn cũng đưa luôn ra ý kiến.
Nói chung, từ một ông chồng lười biến thành một “con ong chăm chỉ” không phải là chuyện dễ. Các bà vợ đừng vội nản lòng, hãy kiên nhẫn và tìm hiểu tâm lý của anh xã để tìm cách động viên chàng cùng làm việc nhà với mình. Mỗi giây phút vợ chồng chia sẻ với nhau chính là lúc làm cho cuộc sống gia đình thăng hoa và hạnh phúc hơn.
Nhà tâm lý Hà Linh