"Tôi nhà ở Hóc Môn, hai năm làm việc ở Bình Thạnh (TP HCM). Tôi đi làm theo các tuyến đường Tô Ký - Quang Trung - Phan Văn Trị - Bùi Đình Túy.
Công việc này tôi tìm được sau dịch Covid-19, nơi làm việc khá ổn. Từ nhà đến chỗ làm là 18 km, đi mất khoảng gần 45 phút. Thời gian đầu còn khỏe, sau khoảng vài tháng thì đuối dần, sáng thì còn đỡ, chiều về đến nhà là coi như bất tỉnh.
Đến bây giờ dù sang nơi khác làm, cũng đi khoảng 15 km, nhưng buổi chiều những tháng mùa mưa, cộng thêm cảnh kẹt xe nên phải nói là ngán tận cổ.
Tôi chỉ mong sau này xã hội phát triển hơn, huyện và tỉnh vùng ven có nhiều công ty để tiện tìm việc làm, hiện tại di chuyển nội thành quá mệt mỏi. Cảnh kẹt xe này chắc không bao giờ giải quyết nổi, trong khi xe cộ ngày một đông, mà đường sá thì vẫn vậy".
Độc giả holeduc0205 chia sẻ câu chuyện đi làm hàng ngày của bản thân như trên, rằng buổi sáng còn tạm ổn, nhưng mỗi chiều về nhà là kiệt sức. Kẹt xe, thời tiết mưa lớn khiến việc di chuyển càng thêm khó khăn.
Bình luận này được viết sau loạt bài những khó khăn, bất tiện vì kẹt xe trên đường đi làm mỗi ngày. Chủ đề này nhận được nhiều chia sẻ, bình luận của độc giả VnExpress.
Những người di chuyển từ quận 12 vào trung tâm thành phố cũng phải đối mặt với tình trạng kẹt xe. Độc giả nickname quan219 chia sẻ kinh nghiệm:
"Nhà ở quận 12 đi làm ở quận 1, tại sao không đi những con đường khác không phải là Phan Văn Trị, Trường Chinh, Quang Trung? Vì những con đường này là điểm nóng về kẹt xe, nên hạn chế đi vào giờ cao điểm.
Nên đi vào những đường hẻm mà có thể tránh được những điểm nóng kẹt xe để thoát ra đường khác chỉ đông xe.
Theo tôi thấy thì đa số người ta không thích đi đường vòng, đường tránh khi bị kẹt xe, mà họ cứ nhất quyết chỉ đi những con đường hay bị kẹt xe vì nó ngắn hơn. Chính vì nó ngắn nhất nên ai cũng chọn, nên mới bị kẹt xe. Như vậy vừa tốn xăng, thời gian, lại bị ảnh hưởng bởi khói bụi.
Nếu đi đường tránh, dù xa hơn, nhưng không tốn thời gian và có thể tốn xăng bằng với đường bị kẹt xe. Ngoài ra, có thể cho con học ở quận 12 hoặc trường học nào gần nhất, nếu có thể. Vì chất lượng học tập giữa các trường là như nhau, ngoại trừ các trường chuyên".
Độc giả Vũ ở TP HCM, đi làm ở Bình Dương chia sẻ:
"Tôi đi làm ca, nhà cách chỗ làm 30 km, đi tầm 45 phút, từ nhà ra chỗ gửi xe 5 phút, từ chỗ gửi xe xuống nhà mất khoảng 35 đến 40 phút (đi xe đưa rước). Chỉ có mình tôi đi xe 7 chỗ thoải mái, cứ ngồi trên xe bấm điện thoại hay muốn làm gì làm.
Một tháng làm 22 ngày, 8 ngày ca sáng từ 6h đến 14h, 7 ngày ca chiều từ 14h đến 22h, 7 ngày ca đêm từ 22h đến 6h sáng hôm sau. Ca đêm và ca sáng xen kẽ nhau, 3-4 và 4-3, còn ca chiều thì liên tiếp 7 ngày.
Hiện tôi đang làm việc ở Bình Dương, đã gắn bó với công ty được 16 năm, sắp bước qua năm thứ 17. Nên tìm cho mình một công việc phù hợp, đừng bon chen nơi hoa lệ mà không thoải mái chút nào".
Tuy nhiên, không phải ai cũng được lựa chọn những phương án như trên, độc giả nickname trangpth1101 chia sẻ về sự mệt mỏi khi hằng ngày phải di chuyển quãng đường 40 km để đi làm:
"Thật sự ai trải qua cảm giác mỗi ngày phải di chuyển tầm 40 km để đi làm mà kẹt nối đuôi nhau ngay khúc Phan Văn Trị, Nguyễn Oanh, Thống Nhất, Quang Trung mới hiểu được sự đuối và kiệt sức như nào.
Lựa chọn đi sớm, về trễ không phải là phương án khả thi vì bối cảnh cuộc sống mỗi người khác nhau. Với cá nhân tôi thì nôn nóng chạy về để kịp thời gian học. Câu chuyện thức khuya làm việc và dậy sớm đi làm lâu dần có thể hình thành thói quen, nhưng đồng nghĩa với việc chất lượng cuộc sống sẽ giảm sút.
Hệ lụy lâu dài sẽ ảnh hưởng đến cả một thế hệ trẻ. Hy vọng cơ quan chức năng suy xét để cải thiện tích cực về vấn đề giao thông này tại Gò Vấp. Xin cảm ơn ạ".
Độc giả nickname youhurtme12399 đưa ra những giải pháp cụ thể cho vấn đề giao thông ở khu vực Gò Vấp:
"Phương án mà tôi đề xuất như sau:
1. Nối đoạn cuối đường Lê Văn Thọ ra Lê Thị Riêng, quận 12, cũng là một lối thoát.
2. Mở rộng và kết nối đường Nguyễn Văn Khối với đường Nguyễn Văn Lượng, và xây cầu kết nối với nút Nguyễn Văn Quá - Quốc lộ 1.
3. Nối dài đường Phan Văn Trị đi song song với Quang Trung tới Tân Sơn để 2 đường phân luồng một chiều đoạn Tân Sơn đến Phạm Văn Đồng. Sau đó mở rộng đường Quang Trung từ Tân Sơn tới Chợ Cầu (giống đường song hành Quốc lộ 50).
4. Đẩy nhanh và mở rộng kết nối Dương Quảng Hàm với Phan Huy Ích - Phạm Văn Chiêu. Mở rộng đường này, kết nối với Trường Chinh.
5. Triển khai đường trên cao số 1 và số 4, giúp xe quận 12 có thêm đường không phải qua Gò Vấp, đồng thời mở rộng làm mới đường Ngô Tất Tố dẫn lên cầu Thủ Thiêm 4. Ngoài ra, cần xây dựng nút giao khác mức ngay nút Nguyễn Cơ Thạch - Mai Chí Thọ.
6. Làm cầu An Phú Đông nối dài Đặng Thùy Trâm".
*Chia sẻ bài viết về nơi bạn sinh sống và quãng đường đi làm mỗi ngày tại đây.
Hữu Nghị tổng hợp