"Bão vô cứ đi trốn đã, còn người còn của, nhà cũng không còn chi mà phải giữ", trước ngày đi trốn bão Vamco (vào đất liền hôm 15/11), ông Phạm Hải Vui nói với vợ, bà Võ Thị Dụng.
Căn nhà ba gian, cấp bốn của họ nằm cuối xóm 4, thôn An Xá (xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy), nơi mà trước mặt là dòng sông Kiến Giang, sau lưng là ruộng đồng gió lộng. Trong trận lũ hồi tháng mười, sóng lũ trùm lên mái nhà, vỗ vỡ tan toàn bộ vách tường phía sau. Nước rút, tường nứt, nhà sập, cả làng An Xá "như vừa hứng một trận bom".
Cặp vợ chồng gói ghém chăn chiếu, quần áo, lấy bạt trùm lên, rồi dắt con dâu, bồng cháu nội sang nhà hàng xóm trốn bão. Gia đình họ nằm trong số hơn 47.000 người dân Quảng Bình phải sơ tán tránh bão Vamco. Lần thứ hai trong vòng một tháng, ông Vui ngủ ở nơi không phải là nhà mình. Lão nông 69 tuổi thao thức lo "căn nhà ngâm nước bở tường, lung lay như răng bà lão sắp rụng" không chống nổi gió bão cấp 8, giật cấp 11.
Nửa tháng trước, ông mới cầm 5 triệu đồng của nhà từ thiện trao tay, đi mua lưới B40, vải bạt về rào thay cho bức tường đã vỡ, chắn gió lùa từ ngoài đồng vào. Ông mua thêm 300 viên ngói, nhờ người lợp lại mái. Vừa sửa sang lại thì tin bão Vamco đổ bộ.
Từ tháng mười đến nay, Quảng Bình cùng các tỉnh miền Trung liên tiếp hứng tám cơn bão, hai đợt áp thấp nhiệt đới. Trong đó, riêng tại Quảng Bình, mưa lũ làm 25 người chết, 197 người bị thương, 106.000 căn nhà bị ngập, hơn 40.000 tấn lương thực bị cuốn trôi và hơn 1 triệu gia súc, gia cầm bị chết. Trận lũ lớn nhất sau 41 năm đã nhấn chìm làng mạc, hàng chục nghìn ngôi nhà trong nước lụt sâu gần 2 m. Trên sông Kiến Giang (huyện Lệ Thủy), đỉnh lũ đo được 4,89 m, cao hơn đỉnh lũ năm 1979 tới 0,98 m và duy trì trong nhiều ngày. Lũ vừa qua, bão lại tới. Cơn bão Vamco đổ bộ chiều 15/11 làm 11 người bị thương, gần 1.900 nhà ở tốc mái, chưa kể công trình, trường học hư hại, cây xanh gãy đổ.
Bão tan, vợ chồng ông Vui trở về căn nhà trống, thấy nhiều mảnh ngói vỡ trước sân. Ông trèo lên mái xếp lại mấy viên ngói bị gió bão làm xô lệch. Bà Dụng đi một vòng, thở phào khi thấy lưới che chắn vẫn còn nguyên, bạt bị bung một góc. "Lệ Thủy thoát được trận bão ni coi như sống", bà Dụng nói.
Gian nhà sót lại hai chiếc giường để ngủ, một chiếc tủ gỗ vốn đựng thóc, giờ đã trống không. Bàn thờ gia tiên không còn, ông Vui lấy chiếc mâm nhôm, cắm bát hương, bày gói bánh đặt lên nóc tủ để cúng rằm, mùng Một. Gần tháng qua, nguồn sống của vợ chồng già, con dâu và cháu nội dựa vào hỗ trợ của các đoàn từ thiện. Họ nhận được 70 kg gạo, 5 triệu đồng, nhu yếu phẩm và quần áo cũ.
Vợ chồng già chưa tính đến trồng rau, nuôi lại lợn gà. Bởi chuồng trại đã hỏng cần xây lại, chờ khô ráo. Vườn tược vương vãi đầy mảnh tường vỡ, bê tông. Muốn dọn dẹp xong xuôi, ít nhất một tháng nữa mới có thể nuôi trồng lại được. Lão nông kêu mấy năm nay bão lũ đến ngày càng muộn, nên chờ "ý trời" xem sao.
Bên kia sông Kiến Giang, vợ chồng ông Lê Văn Lình, bà Trần Thị Mỹ, xóm 4, thôn Phú Thọ (xã An Thủy) rưng rưng nhìn gió bão cuốn sập một góc bếp - nơi tránh trú cuối cùng. Ngày này tháng trước, ngôi nhà của họ bị sóng lũ đánh sập ba mặt tường, trơ lại cột bê tông, chịu chung số phận ngâm nước lũ với hơn 105.000 căn nhà khác của tỉnh Quảng Bình. Xuồng cứu hộ đến kịp, vợ chồng mới thoát chết.
Vợ chồng con trai út đã mang hai đứa cháu về trú nhờ nhà ngoại ở xã bên. Chỉ còn ông Lình, bà Mỹ ở lại gian bếp cũ được quây bạt để tránh trú qua mưa nắng. Gian bếp kê được chiếc giường gỗ để nằm, một cái chạn để mì tôm, gạo cứu trợ và xoong nồi nấu nướng.
Đến bữa ăn, vợ chồng cuốn chiếu, ngồi trên giường ăn cơm. "Đến bộ quần áo đang mặc trên người cũng là của người ta cho, không phải của miềng", ông Lình tổng kết về tài sản gia đình sau một tháng bão lũ.
Bà Mỹ nhặt nhạnh xong nồi bị gió bão quăng lăn lóc, để gọn trong góc bếp, lắc đầu "Cứ cặm cụi làm, mấy năm bão lũ lại lùa cho một trận trắng tay". Bà kể, cuối tháng 10, đoàn từ thiện về thôn trao mỗi nhà sập 5 triệu. Bà bận chăm chồng sốt cao sau nhiều ngày dầm nước, đành nhờ đứa cháu đi lấy hộ. Nhưng trong danh sách không có tên "Lê Văn Lình", chỉ có "Lê Văn Linh". Không đúng tên, không được quà. Bà Mỹ vội ra nhà văn hoá thôn để phân trần, nhưng đoàn từ thiện chỉ nói hôm sau quay lại, rồi không thấy đâu.
Ngày sau bão tan, bà Mỹ thấy đau tay, bắt xe vào Bệnh viện Trung ương Huế khám. Bác sĩ kết luận viêm gân, sỏi thận, kêu mổ. Nghĩ đến cửa nhà còn ngổn ngang, bà xin bác sĩ kê đơn thuốc về uống "rồi tính tiếp". Người phụ nữ 56 tuổi ôm theo đùm thuốc uống trong mười ngày, nhảy xe về Quảng Bình. Tiền thuốc với tiền xe hết 1,5 triệu đồng.
Lũ chồng bão đi qua, người miền Trung lại nhặt nhạnh những gì còn sót lại, nuôi con trâu, sửa mái nhà..., chuẩn bị cho một cuộc tái thiết. Trong cuộc họp chiều 17/11, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói về kế hoạch tái thiết này, khi chỉ còn hai tháng nữa là đến Tết. Ông cho rằng, trước mắt nên chăn nuôi gia cầm, trồng rau ngắn ngày để có thu nhập nhanh, và đề nghị cấp phát miễn phí cây, con giống cho những nơi bị ngập sâu, thiệt hại nặng. Các cấp ngành tập trung cải tạo ruộng đồng, khôi phục hệ thống thủy lợi để kịp gieo trồng vụ đông xuân tới.
Bằng giờ những năm trước, cánh đồng thôn Phú Thọ trũng nước nhiều ngày, sẽ bắt đầu lộ chân ruộng, để máy cày của hợp tác xã xuống làm đất. Nhưng năm nay đứng trên đê nhìn xuống nước lũ vẫn mênh mông, sâu hơn 1 m, không thấy bờ. Đầu tháng 11 Âm lịch sẽ là kỳ gieo sạ vụ đông xuân.
Một tạ lúa giống lẫn tấn rưỡi lúa ăn bà Mỹ để dành đã trôi theo dòng nước lũ. Nắng lên, lúa mọc mầm, bốc mùi chua nồng, thum thủm. Bà Mỹ gom được gần chục bao, gửi con gái mang về dưới Hoa Thủy cho vịt ăn. Những năm trời thương, gió mưa yên ổn, bà vẫn nuôi được dăm chục con ngan lẫn gà để bán cuối năm. Sáu mẹ con thầu thêm ruộng nuôi cá, bán được hơn chục triệu đồng sắm Tết. Bây giờ, bà chỉ chờ được hỗ trợ con giống để chăn nuôi lại từ đầu.
Căn nhà bị sập, bao giờ nhận được hỗ trợ của nhà nước theo chính sách cho người dân vùng lũ, ông bà mới tính toán kinh phí xây lại. Họ chưa dám nghĩ đến ngày Tết "Thôi thì có chi ăn nớ". Ít ra, vợ chồng vẫn còn chục thùng mì tôm, và gần tạ gạo các đoàn cứu trợ cho, đủ ăn từ giờ đến Tết.
Hoàng Phương