Với sức khi đổ bộ cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 11, bão Vamco giảm 6 cấp so với lúc mạnh nhất trên Biển Đông. Nguyên nhân do đường di chuyển của bão "chịu tác động của không khí lạnh khô", theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia.
Trước khi vào đất liền, suốt đêm 14, rạng sáng 15/11, bão gây mưa lớn, gió mạnh ở khu vực ven biển các tỉnh miền Trung. Tại Đà Nẵng, nước sông Hàn dâng cao, tràn vào các tuyến đường Như Nguyệt, Bạch Đằng... gây ngập khoảng nửa mét. Sóng lớn đánh vào bờ kè đường Như Nguyệt có lúc cao đến 5 mét.
Tại đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), gần 200 quân và dân trên đảo vào hầm trú ẩn từ chiều 14/11. "Liên lạc với đảo bị cắt đứt do mọi người ở trong hầm", ông Phạm Thanh Tuấn, Chánh văn phòng UBND huyện đảo Cồn Cỏ, cho biết.
3h30 ngày 15/11, gió bắt đầu rít mạnh liên hồi ở vùng ven biển huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế). "Ở trong nhà nghe tiếng nhiều mái tôn lợp mái bị lật, bay réo rắt ngoài trời. Cây xanh nghiêng ngả do gió quật mạnh", anh Nguyễn Anh Tuấn, 29 tuổi, thị trấn Thuận An, nói.
Thôn Thai Dương Hạ Nam, xóm Hương Giang (xã Hải Dương) nằm cạnh cửa biển nên bị ngập gần một mét do triều cường, nước biển tràn vào nhiều nhà dân.
Tàu cá của một ngư dân neo đậu ở thôn Hải Tiến (thị trấn Thuận An) bị sóng xô va chạm vào căn nhà ven biển của bà Lê Thị Xuyên, 40 tuổi, khiến căn nhà đổ sập. Rất may cả nhà bà Xuyên đã sơ tán tránh bão. Lúc này, nhiều đò và thuyền trên phá Tam Giang cũng bị sóng đánh chìm.
6h, vị trí tâm bão trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế. Tại thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), gió thổi mạnh dần qua các toà nhà tạo thành tiếng rít liên hồi, cây xanh bị uốn cong. Chính quyền cắt điện.
Khu vực thị trấn Thuận An và xã Hải Dương (Thừa Thiên Huế), gió vẫn giật mạnh kèm mưa lớn. Anh Võ Ngọc Đài, 26 tuổi ở xã Hải Dương, nói "một số tấm tôn lợp mái nhà đã bị gió quật bay, tôi và người thân phải núp dưới gầm giường để đảm bảo an toàn".
Gió bão cũng tốc mái dãy nhà bốn phòng học ở trường Tiểu học xã Phú Thuận. Lực lượng chức năng và các giáo viên đợi trời ngớt mưa đã ra thu dọn dụng cụ học tập và mái tôn bị gió thổi bay.
Ở Đà Nẵng, sáng sớm trời lặng gió so với đêm qua, mưa rải rác. Bộ chỉ huy quân sự thành phố xuất 2 xe thiết giáp lội nước, cùng một xe chỉ huy đi kiểm tra trên các tuyến đường, sẵn sàng ứng cứu người dân.
Trên đường phố, vài cây xanh bị gãy, ngã đổ; một số biển quảng cáo bị gió bão làm hư hỏng. Nước sông tràn vào đường Như Nguyệt đêm qua khiến khoảng 1 km vỉa hè bị tốc gạch. Gió bão cũng làm gãy, đổ nhiều trụ đèn chiếu sáng.
Tại Hà Tĩnh mưa nhỏ, gió nhẹ. Nhiều xe tải, xe khách vẫn di chuyển trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ qua địa bàn tỉnh này. Trong khi đó, vùng biển ở huyện Lộc Hà, Cẩm Xuyên, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) gió rít từng hồi ở cấp 6, giật cấp 7.
7h, trời ngớt mưa ở thị trấn Thuận An (Thừa Thiên Huế). Sau một đêm tránh bão ở trường cấp 2 thị trấn, nhiều người dân bắt đầu trở về nhà để dọn dẹp.
Tay mang túi xách áo quần, bà Nguyễn Thị Lớn, 62 tuổi, thôn Hải Tiến (thị trấn Thuận An) nói đêm qua bà và hàng chục hộ dân đi trú bão ở trường học. "Cả đêm thấy gió giật mạnh, mưa lớn, trằn trọc ngủ không được. Nay trời tạnh ráo nên tôi vội về nhà xem thế nào. Hy vọng căn nhà còn nguyên vẹn" bà Lớn nói.
Cách Thuận An hơn 100 km, thị trấn Cửa Tùng, Vĩnh Linh (Quảng Trị) trời mưa, gió nhẹ dần. "Tôi thức dậy từ 4h sáng để chuẩn bị đón bão, đến 7h20 có cảm giác bão giảm cấp, sóng biển thấp 1-2 m", anh Trương Quang Linh, chủ quán dịch vụ sát biển Cửa Tùng, cho hay.
8h, Quảng Bình vẫn mưa lớn, gió rít mạnh. Đường phố vắng bóng người. Rạng sáng, tại nhà ông Phạm Quang Trung (TP Đồng Hới), những cánh cửa chưa được chèn chắc chắn trên tầng 3 đập vào nhau ầm ầm. Ông Trung phải chèn lại bao cát, buộc thêm dây để gia cố. Thấy hai đứa cháu nội chơi gần cửa kính, ông nhắc chúng tránh xa.
Trong vòng nửa tháng, hai lần ông Trung phải chằng chống nhà cửa chống bão Molave cuối tháng trước và Vamco đổ bộ sáng nay. "Nghe đài báo bão giảm cấp đỡ lo hẳn, nhưng phải chờ đến chiều coi sao. Sợ nhất là hoàn lưu bão gây mưa to dài ngày, Quảng Bình sẽ lại hứng thêm đợt lũ nữa", ông nói.
8h30, tại thị trấn Cửa Tùng (Quảng Trị), gió bất ngờ rít mạnh trở lại, mưa lớn quất rát mặt. Một số hàng quán bị gió cuốn tốc mái, sóng đánh bay gỗ lán sàn và làm hư hỏng vỉa hè, đẩy gạch lát vào lòng đường. Sóng biển cao 2-3 m vượt qua bờ kè, nước tràn vào đường nhựa gây ngập khoảng 50 cm.
Trong khi đó, dù mưa bão, trước cổng chợ Đồng Hới nằm bên sông Nhật Lệ, nhiều tiểu thương vẫn tranh thủ mặc áo mưa bán hàng, chủ yếu là hoa quả, cá tươi. Thấy gió bão giảm cấp, vợ chồng chị Đỗ Thúy An ra chợ mua cá lóc về nấu canh chua. Chiều qua đi làm về muộn, bận chằng chống nhà cửa, chị chưa mua được đồ ăn dự trữ.
Luôn tay làm thịt cá cho khách, chị Nguyễn Thị Hương cho biết giá cá lóc ngày mưa bão 70.000 đồng/kg, ếch ao 60.000 đồng/kg, không giảm so với ngày thường. Nửa tạ hàng đã bán vơi gần hết. 5h sáng nay, người phụ nữ vượt gió bão, đi gần 30 km từ Vạn Trạch (Bố Trạch) xuống Đồng Hới đi chợ. Trang trại thủy sản rộng hơn 2 ha nuôi hàng tấn cá lóc, ếch đã đến kỳ thu hoạch, chị Hương tranh thủ bán bớt, sợ nước lũ dâng lại mất trắng.
10h, vị trí tâm bão trên bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Còn tại Thừa Thiên Huế, gió bão và sóng biển đã làm hư hỏng tuyến đường đi bộ ở thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc); nhiều hàng quán ven bờ biển bị gió quật tốc mái. Hàng loạt cây xanh ở TP Huế, thị trấn Thuận An bị gió quật ngã đổ.
Trong khi ở TP Đồng Hới (Quảng Bình), một số khu vực mất điện, gió bão quật, vít cây xanh tơi tả thì cách đó gần 40 km, ở xã An Thủy (Lệ Thủy), ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch xã thông tin gió đã giảm cường độ khoảng nửa tiếng trước, trời mưa nhỏ.
Mép nước sông Kiến Giang còn cách mặt đường vài chục cm, một số khu vực đồng bãi, nước "dâng chưa đáng kể". Song địa phương không chủ quan, theo dõi tiếp để có kế hoạch ứng phó khi hoàn lưu bão có thể gây mưa lớn, lũ về. Xã An Thủy có khoảng 12.000 nhân khẩu, địa bàn nhiều nhà cấp bốn, gần như toàn bộ xã bị ngâm nước lụt sâu 1,5 – 2m gần chục ngày trong đợt lũ hồi tháng 10.
13h, bão đi vào đất liền khu vực bắc Quảng Bình, nam Hà Tĩnh; sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 11.
Lúc này, ven biển thị xã Kỳ Anh gió cấp 8, giật cấp 9. Trạm khí tượng hải văn môi trường Hoành Sơn đóng ở xã Kỳ Nam nhận định gió tăng 2 cấp so với sáng cùng ngày, lượng mưa cao nhất đo được tại phường Kỳ Thịnh là 147 mm.
Ở xã Kỳ Ninh, đề phòng bão đổ bộ, trưa nay một số chủ cửa hàng buôn bán hải sản đã chủ động tháo mái che trước sân để tránh bị gió thổi bay. Nhà chức trách địa phương điều xe buýt di dời người dân tới nơi an toàn tránh trú.
15h, ông Nguyễn Văn Nghị, Chủ tịch UBND xã Nhân Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) cho biết bão Vamco làm 2 tàu cá gần bờ, công suất 33CV ở khu neo đậu bị chìm. "Ngay sau bão, xã huy động lực lượng trục vớt, cứu hộ thành công 2 tàu chìm này", ông Nghị nói. Lúc tàu bị chìm, may mắn không có người trên tàu nên không thiệt hại về người.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, bão Vamco làm 18 người ở Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Nam bị thương khi chằng chống nhà ở. Ngoài ra, hơn 1.500 nhà ở các tỉnh miền Trung bị tốc mái; 5 nhà tạm ở Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng đổ sập.
Bão cũng khiến 13 tàu thuyền bị chìm tại khu neo đậu, trong đó Thừa Thiên Huế nhiều nhất với 9 tàu.
Xem diễn biến chính