Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi vừa được Quốc hội thảo luận với nhiều băn khoăn về cách tính hưởng lương hưu khi giảm 15 năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Theo dự thảo, cách tính hưởng lương hưu kế thừa toàn bộ quy định hiện hành. Lao động nam đóng 15 năm BHXH hưởng lương hưu mức tối thiểu 33,75%, đóng 35 năm sẽ hưởng tối đa 75%. Nữ tham gia 15 năm hưởng tối thiểu 45%, đóng 30 năm để đạt mức tối đa 75%. Cùng lấy mốc 15 năm đóng BHXH tối thiểu nhưng tỷ lệ tích lũy lương hưu của nam thấp hơn nữ 11,25%.
Trao đổi với VnExpress sau kỳ họp Quốc hội, bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP HCM, đánh giá các chính sách BHXH đang có xu hướng hạn chế quyền chủ động của lao động, trong khi cơ quan quản lý "bận cân nhắc bài toán thu chi cho Quỹ Bảo hiểm xã hội lâu bền". Bà dẫn chứng các giải pháp đưa ra đều tăng thu giảm chi, tăng tuổi hưu kéo dài năm làm việc, nhưng lại giảm mức hưởng lương hưu của lao động.
Cụ thể từ năm 2018, cách tính lương hưu hàng tháng theo hướng tăng dần số năm đóng. Để đạt mức tối đa 75%, lao động phải đóng đủ 30-35 năm BHXH thay vì 25-30 năm như trước. Trước năm 2018, lao động nữ tích lũy được 3%, nam 2% cho mỗi năm tham gia BHXH. Sau thời điểm này, tỷ lệ đồng hai giới còn 2%.
"Quy định đã kéo giảm mức lương hưu của lao động, giảm động lực thu hút họ ở lại hệ thống an sinh", bà Thúy nói, kiến nghị tính lại mức hưởng lương hưu cho mỗi năm đóng BHXH lên 2,3% thay vì 2% như hiện hành, tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa tăng lên 79,5% thay vì 75%.
Tỷ lệ 79,5% dựa trên lao động nữ đóng BHXH 15 năm được hưởng 45%, đóng thêm 15 năm nữa đến khi đủ điều kiện 30 năm về hưu thì tích lũy thêm 34,5% (15x2,3%). Với lao động nam, tỷ lệ đóng khi đủ 35 năm là 79,75%.
Cơ sở đề xuất là tuổi nghỉ hưu đã tăng theo lộ trình đến khi đạt 60 tuổi với nữ và 62 tuổi với nam, đồng nghĩa lao động phải làm việc dài hơn. Thời gian đóng góp của họ vào Quỹ Hưu trí tử tuất lâu hơn, thêm 2 năm với nam và 5 năm với nữ, trong khi cách tính và tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa vẫn giữ như cũ.
"Tuổi lao động kéo dài ra, tiền đóng vào quỹ nhiều hơn thì tỷ lệ hưởng mỗi năm tham gia lẫn mức hưu trí tối đa nên được cao hơn, chưa tính khoản tiền sinh lời suốt bao năm tham gia", bà nói.
Chủ tịch công đoàn TP HCM bảo lưu quan điểm mức hưởng phải tỷ lệ thuận với thời gian đóng góp, dù cơ quan soạn thảo lẫn nhiều người lo ngại tăng tỷ lệ hưởng sẽ trở thành gánh nặng cho Quỹ Hưu trí tử tuất. Thực tế cho thấy lương hưu không cao, điều kiện hưởng ngày càng siết chặt khiến lao động nản lòng, chọn rút BHXH một lần thay vì chờ hưu trí.
Bà Thúy còn chỉ ra nghịch lý người đóng vượt trần 30-35 năm BHXH chỉ được hưởng trợ cấp bằng 0,5 lần bình quân tiền lương tính đóng cho mỗi năm thừa. Theo bà, khoản này cần được tính ít nhất bằng 2 tháng bình quân tiền lương đóng bảo hiểm, như kiến nghị của bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Phó chủ tịch Liên đoàn lao động Bình Dương) trên nghị trường ngày 23/11.
Việc giảm đóng xuống 15 năm có lợi cho nhóm lao động tham gia muộn, mỗi năm khoảng 7.000 người thụ hưởng như tính toán của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Song chính sách này cũng có thể dẫn tới tình trạng lao động đóng BHXH theo kiểu quay vòng, tức là tham gia thời gian ngắn rồi rút, sau đó đóng tiếp với nền lương cao hơn.
"Mục đích cuối cùng của BHXH là hưu trí, sửa luật cũng phải như làm cho miếng bánh ngon ngọt hơn mới hấp dẫn người lao động. Thế hệ sau nhìn vào người đi trước, thấy nhiều quyền lợi, lương hưu đủ sống sẽ tự động tham gia. Các dòng lao động liên tục đóng vào thì Quỹ Hưu trí tử tuất mới bền vững", bà nói.
Chung quan điểm, ông Phạm Văn Hòa (Phó chủ tịch Hội luật gia tỉnh Đồng Tháp) góp ý Ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh mức hưởng tối thiểu về cùng tỷ lệ 45% sau 15 năm đóng BHXH của cả nam và nữ. Cùng đóng 15 năm mà nữ hưởng 45% trong khi nam chỉ 33,75% là "chưa đảm bảo bình đẳng giới".
Ông đánh giá khấu trừ 2% mỗi năm với người về hưu sớm là tỷ lệ nặng, kiến nghị giảm còn 1% và nâng mức trợ cấp lên cho tương xứng với người đóng thừa năm BHXH. Với nền tiền đóng BHXH thấp như hiện nay thì tiền lương hưu không còn được bao nhiêu. "Nếu không sớm nghiên cứu lại để tính toán cho công bằng, lao động rút BHXH một lần sẽ tiếp tục gia tăng", ông cảnh báo.
Theo cơ quan soạn thảo, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi lần này không thay đổi công thức tính lẫn tỷ lệ hưởng lương hưu, chỉ tập trung biện pháp mở rộng diện bao phủ. Song bà Trần Thị Diệu Thúy cho rằng dự luật mới được Quốc hội bàn thảo lần đầu và sẽ còn thảo luận vào các kỳ họp sau, vẫn còn thời gian để cân nhắc, thay đổi. Ban soạn thảo cũng như Chính phủ cần lắng nghe tiếng nói của đại biểu, người lao động vì bài toán an sinh lâu dài, giảm gánh nặng ngân sách trước hệ lụy người già không có lương hưu.
Người Việt hưởng tỷ lệ lương hưu tối đa 75%, cao hơn một số nước trong khu vực, theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Song mức lương hưu thấp do nền tiền lương tính đóng BHXH thấp. Với tiền đóng bình quân 5,7 triệu đồng như hiện nay, lương hưu của lao động nam đạt mức gần 2 triệu đồng và nữ khoảng 2,6 triệu đồng nếu giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm.
Cả nước có 2,7 triệu người già hiện hưởng lương hưu từ Quỹ Bảo hiểm xã hội, trong khi lao động tham gia hệ thống là 17,4 triệu người. Bình quân 6,5 người đóng BHXH thì có một người hưởng hưu trí. Năm 1996, bình quân 217 người đóng một người hưởng; năm 2000 số người đóng còn 34 và năm 2016 còn 9 người đóng cho một người hưởng.
Chênh lệch giữa số người đóng và hưởng ngày càng thu hẹp, một phần khiến cán cân Quỹ Hưu trí tử tuất mất dần cân đối. Vì thế, Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ luật Lao động sửa đổi trước đây đều tập trung tổng thể biện pháp như thay đổi cách tính hưởng lương hưu, tăng tuổi nghỉ hưu... nhằm cân đối lâu dài cho quỹ.
"Tổng thể các chính sách sau một thời gian thực thi đang phát huy hiệu quả", theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Quỹ Hưu trí tử tuất được giảm áp lực, đảm bảo cân đối trong dài hạn. Đến hết năm 2022, Quỹ kết dư hơn 988.400 tỷ đồng và ước đạt 1,1 triệu tỷ đồng vào năm 2023.
Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến được Quốc hội thông qua tháng 5/2024 và có hiệu lực từ 1/7/2025.
Hồng Chiêu