Kiến nghị được cử tri Đà Nẵng đưa ra khi phản ánh vấn đề liên quan lĩnh vực y tế trước Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, trong bối cảnh tình trạng hút thuốc lá điện tử đang diễn ra phổ biến trong các cấp học sinh, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và học tập. Đây cũng là kiến nghị của cử tri nhiều tỉnh thành.
Việt Nam ghi nhận hơn 1.200 người nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng năm 2023, trong đó có nhiều trẻ vị thành niên. Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá tại 11 tỉnh thành cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13-17 tuổi tăng từ 2,6% (năm 2019) lên 8,1% (năm 2023). Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi, từ 3,5% (năm 2022) lên 8% năm 2023. Đặc biệt, ở nữ tuổi 11-18, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 4,3% năm 2023.
Vì vậy, cử tri kiến nghị cần xem xét, có chính sách nghiêm cấm việc bán thuốc lá điện tử cho học sinh. Đồng thời, cần có giải pháp hạn chế nhập thuốc lá điện tử vào Việt nam, cũng như có chế tài xử lý mạnh đối với đơn vị cung cấp, buôn bán thuốc lá điện tử trái phép.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết đang có khoảng trống pháp lý đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác. Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 chưa có khái niệm rõ về các sản phẩm mới này. Luật Đầu tư cũng chưa quy định thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hoặc thuốc lá mới khác thuộc Danh mục cấm đầu tư kinh doanh hay danh mục đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Bộ trưởng Lan nhìn nhận thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hiện trở nên phổ biến, đặc biệt trong nhóm tuổi thanh thiếu niên và học sinh. Sự gia tăng sử dụng sản phẩm này ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và tạo ra những hệ lụy xã hội phức tạp. Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng thuốc lá điện tử có thể chứa nhiều chất gây nghiện và độc hại, có nguy cơ gây tổn thương phổi, tim mạch, ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ ở thanh thiếu niên. Tuy nhiên, cơ quan chức năng mới chỉ bắt giữ, xử lý các sản phẩm này dưới hình thức kinh doanh hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ, nhập lậu. Một số vụ việc đã xử lý hình sự, nhưng chỉ khi phát hiện có chất ma túy, chất cấm.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá là rất cần thiết để khắc phục bất cập và hạn chế nêu trên, theo Bộ trưởng. Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ sớm có kế hoạch sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá vào năm 2025. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần nhiều thời gian. Trong khi đó, thuốc lá mới là vấn đề đang rất nóng, dư luận cực kỳ quan tâm, sản phẩm có khả năng gây nghiện nhanh, đặc biệt với học sinh, sinh viên.
"Do đó, cần phải khẩn trương có biện pháp để ngăn chặn kịp thời, tránh thêm nhiều người trong tương lai nghiện nicotine và nguy hại đến sức khỏe", Bộ trưởng nói, thêm rằng Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác có thể xuất hiện trong tương lai.
Theo Bộ trưởng, cần phải quy định "cấm toàn bộ" để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bao gồm mọi tổ chức, cá nhân có liên quan. Bởi, nếu chỉ đề xuất cấm người dưới 18 tuổi mua, bán, sử dụng hoặc không bán cho người dưới tuổi này, thì công tác phòng chống tác hại thuốc lá sẽ không đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hút trong cộng đồng, tạo cơ hội cho trẻ em sử dụng thuốc lá và phát sinh các nguy cơ khác. Bộ Y tế sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá để trình Thủ tướng Chính phủ.
Thời gian qua, Bộ Y tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng như các chuyên gia nhiều lần đề xuất cấm thuốc lá điện tử ở Việt Nam. Lý do, hiện chưa có thị trường thuốc lá điện tử tại Việt Nam, chủ yếu là buôn bán trôi nổi qua hàng xách tay và qua Internet. Do đó, sẽ rất khả thi nếu ban hành quy định cấm trước khi các sản phẩm này được sử dụng rộng rãi trên thị trường. Tuy nhiên đề xuất này chưa đạt được sự đồng thuận của một số bộ ngành khác.
Báo cáo của WHO cho thấy ít nhất 39 quốc gia và vùng lãnh thổ cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử. Khu vực ASEAN, 5 quốc gia cấm hoàn toàn là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei và Campuchia. Đối với thuốc lá nung nóng, ít nhất 18 quốc gia cấm, trong đó có 5 quốc gia thuộc ASEAN gồm Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan, Brunei.
Lê Nga