"Rượu và thuốc lá truyền thống đã gây ra nhiều mối nguy về sức khỏe, chúng ta vẫn chưa giải quyết xong. Nếu tiếp tục thả nổi thuốc lá điện tử sẽ không thể lường hết hậu quả, không có bảo hiểm nào trả đủ chi phí điều trị do tác hại thuốc lá", Tiến sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, nói tại Hội thảo cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá mới và đề xuất biện pháp quản lý các sản phẩm này để bảo vệ sức khỏe cộng đồng do Bộ Y tế tổ chức, ngày 22/3.
Hầu như tuần nào Trung tâm chống độc cũng tiếp nhận ca cấp cứu do ngộ độc thuốc lá điện tử. Điển hình là nữ bệnh nhân 20 tuổi hút thuốc lá điện tử dẫn đến đột quỵ não. Mạch máu não của cô gái trên phim chụp cho thấy xơ cứng như người già. Máu của bệnh nhân được bác sĩ Nguyên ví "lưu thông lờ đờ như dòng sông ô nhiễm". Còn một thiếu niên 17 tuổi hút thuốc lá điện tử, vào viện với dấu hiệu động kinh, giảm trí nhớ, mất ngủ.
Đa số người hút thuốc lá điện tử đều trẻ, dưới 30 tuổi, theo bác sĩ Nguyên. Toàn bộ cơ quan từ não, tim, phổi, thận, mạch máu bệnh nhân đều tổn thương nghiêm trọng. Những chất gây độc từ thuốc lá điện tử gồm nicotin, hương liệu, các hóa chất dạng hơi, có cả ma túy, cần sa...
"Cần có chính sách quản lý phù hợp, cần cấm lưu hành thuốc lá điện tử", bác sĩ Nguyên đề nghị.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị An, Giám đốc tổ chức HealthBrigde Việt Nam, cho biết thuốc lá điện tử nhắm vào giới trẻ, núp bóng dưới nhiều hình thức như thỏi son, hộp sữa, cây kem nhiều hương vị, không để lại mùi hôi như thuốc lá truyền thống. Giá bán rẻ, từ 17.000 đồng, kèm khuyến mại như mua 2 tặng 1, tặng tinh dầu. Vì vậy, thế hệ trẻ dễ tiếp cận với những sản phẩm này, phụ huynh không thể kiểm soát được.
"Cấm thuốc lá thế hệ mới là bảo vệ sức khỏe thế hệ trẻ Việt", bà An nêu quan điểm, dẫn chứng ít nhất 39 quốc gia hiện cấm thuốc lá điện tử, trong đó có 5 nước thuộc ASEAN gồm Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan, Brunei.
Còn ông Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở Việt Nam, nhận định hiện chưa có thị trường thuốc lá điện tử tại Việt Nam, chủ yếu là buôn bán trôi nổi qua hàng xách tay và qua Internet. Do đó, sẽ rất khả thi nếu ban hành quy định cấm trước khi các sản phẩm này được sử dụng rộng rãi trên thị trường.
Theo điều tra của WHO, tình hình sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng, đặc biệt trong nhóm thanh thiếu niên. Năm 2019, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm 13-17 tuổi là 2,6%, bốn năm sau tỷ lệ này tăng lên 3,5%. Năm 2023, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong nhóm 11-18 tuổi là 7%, trong nhóm 13-15 tuổi là 8%.
Vì vậy, các chuyên gia đề xuất Việt Nam cần tăng cường quản lý, cấm mua bán, quảng cáo tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để bảo vệ thế hệ trẻ.
Lê Nga