Tại hội thảo góp ý dự luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi ngày 5/4, bà Nguyễn Thị Thúy Hà, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Vĩnh Phúc, nêu thực tế nhiều công nhân đi làm từ tuổi đôi mươi, nay thừa năm đóng BHXH để hưởng tối đa 75% lương hưu, nhưng lại thiếu tuổi hưu nên nhận mức lương rất thấp.
Họ tha thiết được bù đắp năm đóng BHXH thừa cho số năm thiếu tuổi để hưởng mức cao nhất. Tuy nhiên, luật hiện hành quy định lao động nam đóng đủ 35 năm BHXH, nữ 30 năm và đủ tuổi nghỉ hưu mới được hưởng tỷ lệ tối đa 75%
"Đây không chỉ nguyện vọng của công nhân mà còn của công chức, viên chức khối hành chính sự nghiệp", bà Hà nói.
Đồng tình quan điểm trên, bà Đặng Thị Kim Chung, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Quảng Ninh, đánh giá tuổi hưu tăng theo lộ trình khiến ngày càng nhiều lao động thừa năm đóng BHXH nhưng thiếu tuổi nghỉ hưu. Trước đây lao động chỉ bị trừ 1% lương hưu cho mỗi năm nghỉ trước tuổi, sau tăng lên 2% trong khi số năm đóng BHXH tăng thêm 5 năm khiến họ rất thiệt thòi.
Lắng nghe góp ý của cán bộ công đoàn, ông Nguyễn Duy Cường, Vụ phó Bảo hiểm xã hội, đánh giá đây là những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn. Tổ soạn thảo sẽ tiếp thu và hoàn thiện cho phù hợp trước khi trình Chính phủ.
Luật hiện hành quy định người lao động đủ tuổi nghỉ hưu trong điều kiện làm việc bình thường, đóng đủ 20 năm BHXH trở lên được hưởng lương hưu. Mức hưởng bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng. Muốn hưởng mức tối đa, lao động đóng 30-35 năm BHXH.
Theo quy định, từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của lao động nam là 60 tuổi 3 tháng, nữ là 55 tuổi 4 tháng. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và 4 tháng đối với lao động nữ đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Với mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi, lao động bị trừ 2% mức hưởng. Ngược lại, lao động nam đóng BHXH hơn 35 năm và nữ đóng trên 30 năm thì ngoài lương hưu tối đa sẽ nhận trợ cấp một lần cho số năm thừa.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi được lấy ý kiến nhân dân đến tháng 4, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 6, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2023 và thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024.
Hồng Chiêu