Vấn đề này được Ban quản lý đường sắt đô thị (MAUR) đề cập trong báo cáo gửi Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM, để thành phố sớm nhận được số tiền ngân sách đã tạm ứng cho dự án.
Trước đây, do vướng mắc trong việc điều chỉnh dự án nên vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương không được bố trí đủ cho tuyến Metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). UBND thành phố phải 5 lần tạm ứng vốn từ ngân sách, tổng cộng 4.149 tỷ đồng, để kịp thời giải ngân các gói thầu. Trong đó, thành phố đã được hoàn ứng 591 tỷ đồng).
Hiện, thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án Metro Số 1 đã được thông qua (hơn 43.700 tỷ đồng). Để thực hiện hoàn ứng cho ngân sách thành phố, cần có sự hướng dẫn của Bộ Tài chính và Nhà tài trợ JICA về thủ tục.
Ba tháng trước, MAUR gửi công văn đề nghị Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) và JICA đề nghị hướng dẫn thủ tục. Hiện, phía nhà tài trợ đã có ý kiến hướng dẫn, trong khi Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại chưa trả lời.
Vấn đề khác được MAUR đặt ra là, việc thi công dự án Metro Số 1 đang gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid-19, các nhà thầu chưa thể hoàn tất thủ tục nhập cảnh cho các chuyên gia nước ngoài, đặc biệt là các chuyên gia Nhật Bản đi cùng đoàn tàu metro vận chuyển về Việt Nam.
"Điều này có thể ảnh hưởng đến kế hoạch đón hệ thống đầu máy, toa xe từ Nhật Bản về TP HCM trong quý hai và dự kiến vận hành chạy thử đoạn Bình Thái - depot Long Bình vào tháng 8", MAUR nhận định và đề nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) sớm cho các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh.
Tuyến Metro Số 1 dài gần 20 km với 14 nhà ga đã hoàn thành gần 73%. Dự án khởi công từ tháng 8/2012 và dự kiến đưa vào sử dụng cuối năm 2021.
Hữu Công