Nội dung đề cập trong văn bản khẩn vừa được UBND TP HCM gửi các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư. Đây là phần vốn ODA từ Trung ương cho Metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) thuộc thoả thuận vay VN15-P5, hiệu lực đến tháng 6/2026. Trước đó phần vốn cấp phát thuộc một hiệp định vay khác trị giá hơn 8,6 tỷ yen hết hạn hồi tháng 11/2020, khi chưa kịp giải ngân.
Nguyên nhân chính làm chậm trễ việc giải ngân do trước đó, TP HCM và các bộ, ngành chậm thống nhất giá trị cấp phát. Bộ Tài chính muốn tính theo yen Nhật mà Chính phủ đã vay, trong khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư muốn quy đổi sang tiền đồng. Hiện, vốn ODA cấp phát còn lại từ Trung ương cho dự án được xác định bằng tiền đồng, sau khi dự án điều chỉnh hồi tháng 6/2021.
Trước đó đến ngày 31/1, vốn ODA từ Trung ương cho Metro Số 1 đã được giải ngân hơn 10.340 tỷ đồng trong tổng 14.333 tỷ đồng. Để có thể sử dụng hết nguồn vốn còn lại cho dự án với gần 3.992 tỷ đồng, TP HCM đang kiến nghị Bộ Tài chính xem xét phân bổ lại các nguồn cấp phát, vay lại của thoả thuận VN15-P5, để đăng ký bổ sung kế hoạch vốn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch năm.
Metro Số 1 tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, trong đó vốn ODA chiếm hơn 38.200 tỷ đồng, gồm hơn 14.333 tỷ đồng vốn cấp phát và gần 23.932 tỷ đồng vốn vay lại. Còn lại, gần 5.500 tỷ đồng là vốn đối ứng từ ngân sách thành phố. Toàn tuyến metro dài gần 20 km, từ Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình (TP Thủ Đức), với 3 ga ngầm, 11 ga trên cao.
Hiện Metro Số 1 đạt hơn 87% khối lượng. Trong đó hai gói thầu đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát thành phố và từ ga Nhà hát thành phố đến Ba Son lần lượt đạt 93% và 99%. Gói thầu đoạn trên cao và depot cũng đạt khoảng 94%. Còn lại, gói mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa tàu, đường ray và bảo dưỡng đạt hơn 73%. Dự án đã đưa về 7 trong 17 đoàn tàu, đang chuẩn bị các công tác vận hành thử nghiệm.
Gia Minh