Kiến nghị được UBND tỉnh Đồng Nai nêu trong công văn gửi Thủ tướng ngày 13/10 nhằm xử lý khó khăn, vướng mắc trong việc khai thác vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trên địa bàn.
Trước đó, năm 2020, UBND tỉnh đã cấp phép cho bốn dự án cải tạo đất nông nghiệp để phục vụ thi công dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Trong đó, dự án ở huyện Xuân Lộc đã cơ bản hoàn thành, b mỏ còn lại ở huyện Cẩm Mỹ vẫn chưa khai thác hết trữ lượng được cấp phép với 600.000 m3.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, để thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn cần khoảng 21,5 triệu m3 đất san nền. Địa phương đã quy hoạch khoảng 107 địa điểm với tổng diện tích 1.000 ha để các nhà thầu thi công lựa chọn, lập hồ sơ xin khai thác vật liệu san lấp.
Tuy nhiên, đến nay thủ tục về pháp luật khoáng sản, đầu tư, đất đai vẫn vướng mắc nên chỉ có hai nhà đầu tư tham gia, tổng trữ lượng chưa đến một triệu m3 đất. Hai mỏ này lại đang tạm ngưng hoạt động do chưa hoàn thiện thủ tục để ký hợp đồng thuê đất.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) dài 53,7 km, quy mô 4-6 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 17.800 tỷ đồng. Trong đó, đoạn qua Đồng Nai dài hơn 34 km, tổng kinh phí hơn 12.600 tỷ đồng. Đoạn cao tốc này cần 5,3 triệu m3 đất san nền. Chủ đầu tư trước đây đề xuất lấy đất từ sân bay Long Thành để thi công, song cơ quan chức năng chưa có quyết định.
Dự án cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu được khởi công hôm 18/8, đoạn đi qua Vũng Tàu đã giải phóng được 77,6% mặt bằng, trong khi tỷ lệ bàn giao mặt bằng phía Đồng Nai chưa đến 6%, nguy cơ ảnh hưởng tiến độ chung toàn dự án.
Phước Tuấn