Chủ tịch UBND Quảng Ngãi Đặng Văn Minh nêu kiến nghị trên hôm 15/9 trong cuộc họp trực tuyến với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và đầu tư công ở miền Trung và Tây Nguyên năm 2022.
Cụ thể, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ xem xét bổ sung huyện đảo Lý Sơn vào danh sách đặc biệt khó khăn, giai đoạn 2021-2025, để được hưởng chính sách ưu đãi như huyện đảo Cồn Cỏ của Quảng Trị, theo quyết định 131/2017 của Thủ tướng. Đồng thời, UBND Quảng Ngãi muốn Lý Sơn được giữ nguyên các chế độ, chính sách của huyện Lý Sơn như khi còn chính quyền cấp xã.
Lý Sơn từng được hưởng các ưu đãi cho vùng bãi ngang, hải đảo theo quyết định 131/2017. Nhưng từ khi ba xã cũ An Hải, An Vĩnh, An Bình (thuộc Lý Sơn) bị giải thể theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào cuối tháng 3/2020, đảo đã bị cắt các ưu đãi này.
Trả lời VnExpress, bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, từ khi các xã giải thể, các chính sách ưu tiên về bảo hiểm y tế, thụ hưởng các dịch vụ y tế, hỗ trợ nằm viện cho bệnh nhân nghèo; hỗ trợ tiền ăn trưa cho cấp bậc mầm non; hỗ trợ miễn giảm tiền học phí cho học sinh, sinh viên... không còn.
Bên cạnh đó, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang công tác ở đảo không được hưởng cơ chế chính sách đối với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, một số cơ chế quản lý, chính sách ưu đãi, cơ chế đặc thù của đảo Lý Sơn cũng không còn hiệu lực.
"Nước ngọt vẫn phải mua, lương thực, hàng hóa vẫn phải chuyển từ đất liền ra khiến chi phí tăng, khám chữa bệnh cấp cứu vẫn phải đi tàu vào đất liền khi chuyển tuyến. Hạ tầng nông thôn ở đảo rất cần được đầu tư nhưng không được hưởng chính sách bãi ngang và hải đảo", Chủ tịch huyện Lý Sơn nói.
Bà Hương cho rằng mọi người đã quen với hình ảnh Lý Sơn phát triển du lịch nên khó khăn của đảo không được chú ý. Nhưng gần đây, Covid-19 làm đời sống của người dân đảo Lý Sơn thêm khó khăn vì du lịch lao dốc.
Cách đất liền 15 hải lý, khoảng 30-45 phút đi bằng tàu cao tốc, nhiều năm qua, đảo Lý Sơn, quê hương của Hải đội Hoàng Sa đã trở thành điểm son trên bản đồ du lịch Việt Nam với những danh lam thắng cảnh như chùa Đục, hang Câu, cổng tò vò, những bãi tắm xanh trong... cùng văn hóa bản địa độc đáo. Năm 2019, trước khi dịch bùng phát, đảo đón 265.000 lượt du khách.