Theo quy định, kỳ điều hành tới dự kiến vào ngày 5/9, thay vì ngày 1/9 do rơi vào kỳ nghỉ lễ Quốc khánh. Nhưng hôm nay, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) kiến nghị Bộ Công Thương điều hành giá bán lẻ xăng dầu sớm hơn, tức vào ngày 1/9.
Lý do là tổng nguồn cung xăng dầu trong nước vẫn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, song giá thành phẩm thế giới, nhất là dầu diesel tăng mạnh từ sau kỳ điều hành ngày 22/8. Đến ngày 25/8, giá dầu diesel tăng 16,6% so với kỳ điều hành ngày 22/8.
Trường hợp điều hành giá xăng dầu vào ngày 5/9 thay vì 1/9, tức chậm hơn chu kỳ thông thường, Hiệp hội Xăng dầu lo ngại sẽ khiến giá bán lẻ xăng dầu trong nước có độ trễ nhất định, không phản ánh đúng xu hướng tăng của giá thế giới. Điều này gây khó khăn cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu trong đảm bảo nguồn, nhất là tạo tâm lý găm hàng, đầu cơ gây bất ổn thị trường.
Điều chỉnh giá xăng dầu vào ngày 1/9, theo Vinpa, sẽ giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp, vừa thuận lợi cho các đơn vị trong tạo nguồn, phục vụ kỳ nghỉ lễ Quốc khánh.
Kiến nghị này của Hiệp hội Xăng dầu nhận được đồng tình từ nhiều chủ đại lý, cửa hàng và doanh nghiệp lĩnh vực này. Các doanh nghiệp đề nghị cơ quan chức năng điều hành thị trường linh hoạt hơn, tránh nguy cơ lặp lại tình huống nguồn cung đứt gãy như hồi đầu năm.
Theo số liệu ngày 26/8, giá thành phẩm xăng RON 95 trên thị trường Singapore đã vượt 111 USD một thùng, RON 92 (loại dùng để pha chế xăng E5 RON 92) trên 108 USD một thùng; dầu diesel cũng xấp xỉ 150 USD mỗi thùng... Với mức giá này, nếu nhà điều hành không dùng tới Quỹ bình ổn, giá xăng có thể tăng 400 đồng một lít, dầu diesel gần 2.500 đồng.
Trước diễn biến thị trường xăng dầu bất ổn, Bộ Công Thương tại cuộc họp ngày 26/8 cho biết sẽ tham mưu Chính phủ thời điểm điều hành hài hoà, đảm bảo yếu tố tạo nguồn, phản ánh sát diễn biến giá thế giới.
Bộ Công Thương hôm 26/8 đã họp khẩn và khẳng định nguồn cung cho sản xuất, tiêu dùng toàn thị trường không thiếu, nên phản ánh thiếu xăng dầu là vô lý. Còn theo các đại lý, cửa hàng xăng dầu thì tình hình vẫn chưa cải thiện sau cuộc họp khẩn của cơ quan điều hành.
Hoa hồng - mức chiết khấu doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối cắt lại các đại lý, cửa hàng bán lẻ tính trên mỗi lít xăng dầu, hiện nhiều địa phương vẫn ở mức 0 đồng. Nếu cộng các chi phí vận chuyển, nhân công, hao hụt... thì mỗi lít xăng đại lý xăng dầu lỗ trên dưới 1.000 đồng mỗi lít. Chấp nhận lỗ, nhiều đại lý cho hay, muốn nhập hàng thời điểm này cũng khó khăn.
"Doanh nghiệp đầu mối chỉ cấp hàng cho cửa hàng thuộc hệ thống, còn cửa hàng nhượng quyền thì cấp nhỏ giọt tối thiểu theo số lượng bán bình quân hàng ngày, thậm chí giờ tôi muốn nhập mà không có hàng", chủ một cửa hàng tại Cà Mau cho hay.
Tại một số địa phương phía Nam, tình trạng khan hàng, nhất là mặt hàng dầu diesel diễn ra tại nhiều cây xăng. Hiện hàng loạt tàu cá ở Bình Thuận phải nằm bờ, không thể ra khơi đánh bắt hải sản do ngư dân không mua được dầu diesel để chạy tàu. Lý do theo các ngư dân, các cửa hàng xăng dầu ở cảng Phan Thiết và nhiều cửa hàng khác trong thành phố đều báo "hết dầu".
Còn tại Đồng Tháp, theo Sở Công Thương, nguồn cung xăng dầu vẫn đảm bảo, nhưng hơn chục cửa hàng xăng dầu làm đơn xin nghỉ bán với nhiều lý do khác nhau, chủ yếu do bị lỗ nên xin ngừng bán.