Kế hoạch này được UBND quận 9 đưa ra ngày 14/11, sau khi xảy ra việc hàng trăm phụ huynh trường Tiểu học Trần Thị Bưởi phản đối bữa ăn bán trú kém chất lượng. Mục tiêu là đảm bảo an toàn thực phẩm trong chế biến, kinh doanh thực phẩm, xử lý các vi phạm và phòng chống các vụ ngộ độc.
Đoàn liên ngành gồm Y tế, Giáo dục, UBND các phường phối hợp Tài nguyên - Môi trường, Công an Kinh tế, Quản lý thị trường... sẽ kiểm tra các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự, giấy tờ pháp lý, sổ sách, chứng từ của các bếp ăn, căn tin.
Trước đó, trường Trần Thị Bưởi xảy ra căng thẳng khi nhà trường tổ chức cho ban đại diện phụ huynh tham gia giám sát khẩu phần, chất lượng bữa ăn bán trú cho hơn 1.100 học sinh, từ ngày 20/10. Một số hình ảnh, video về thực phẩm, bữa ăn "không đạt chất lượng" được phát tán, gây bức xúc cho nhiều phụ huynh.
Cho rằng ban đại diện phụ huynh không công tâm, khách quan, một số phụ huynh được cử đi giám sát từ ngày 26/10 đến 2/11. Họ phát hiện thực phẩm nấu ăn bán trú không chất lượng, nhiều rau củ dập nát, bữa ăn không đảm bảo dinh dưỡng.
Ngày 3/11, hơn 100 người lên trường phản đối, sau đó liên tiếp đối thoại với trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo nhưng không tìm được tiếng nói chung. Cuối tuần trước, hơn 300 phụ huynh đã phản đối ban đại diện cha mẹ học sinh, tự lập ban mới.
Phòng Giáo dục và Đào tạo quận đã họp với hiệu trưởng các trường để rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức bếp ăn bán trú hoặc suất ăn công nghiệp, tránh để xảy ra việc tương tự.
Năm nay, quận 9 có hơn 76.000 học sinh, đông nhất ở khối tiểu học. Quận có gần 50 trường mầm non, tiểu học và THCS công lập, hơn 60 trường mầm non, nhóm trẻ tư thục.