Chiều 7/1, hội trường lớn trường Tiểu học Trần Thị Bưởi (quận 9) chật cứng phụ huynh trong đại hội ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Họ gồm 90 người nằm trong ban đại diện ở 30 lớp và những phụ huynh khác tham gia cuộc họp phụ huynh tại lớp trước đó.
Lãnh đạo UBND, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 9 cũng có mặt quan sát cuộc họp. Bên ngoài trường, lực lượng cảnh sát và dân phòng túc trực, giữ trật tự.
Việc căng thẳng ở trường Trần Thị Bưởi xuất phát từ ngày 20/10 khi nhà trường tổ chức cho ban đại diện phu huynh tham gia giám sát khẩu phần, chất lượng bữa ăn bán trú hơn 1.100 học sinh. Một số hình ảnh, đoạn video về thực phẩm, bữa ăn "không đạt chất lượng" được phát tán gây bức xúc cho nhiều phụ huynh.
Cho rằng ban đại diện phụ huynh không công tâm, khách quan, một số phụ huynh được cử đi giám sát từ ngày 26/10 đến 2/11. Họ phát hiện thực phẩm nấu ăn bán trú không chất lượng, nhiều rau củ dập nát, bữa ăn không đảm bảo dinh dưỡng.
Từ đầu tuần đến nay, phụ huynh nhiều lần đối thoại với ban giám hiệu, đại diện chính quyền nhưng chưa tìm được tiếng nói chung. Ngày 3/11, hơn 100 người lên trường phản đối.
Chủ trì cuộc họp chiều nay là ban đại diện đương nhiệm, nhưng họ bị phần lớn phụ huynh ở phía dưới không chấp nhận. Không khí cuộc họp trở nên căng thẳng khi nhiều người la ó, lớn tiếng phản đối. Sau hơn một tiếng tranh cãi, những người trong ban đại diện đương nhiệm tuyên bố giải tán, nhường quyền cho nhóm phụ huynh còn lại điều hành cuộc họp.
30 phụ huynh đại diện cho các lớp được giới thiệu để bầu vào ban đại diện mới nhưng 15 người xin rút. Gần 2 tiếng sau, phụ huynh mới bầu được ban đại diện gồm 9 người và bắt đầu đối thoại với trường về những bức xúc liên quan đến bữa ăn bán trú.
Nắm sự việc, ông Nguyễn Ngọc Cường, Phó chủ tịch UBND quận 9, cho rằng theo quy định trách nhiệm bầu ban đại diện mới phải do ban đại diện cũ thực hiện. Sau khi có đại diện mới, những người cũ mới bàn giao công việc, sổ sách.
Theo báo cáo của UBND quận 9, một số thực phẩm bị phản ánh không đảm bảo gồm cà rốt và cải thảo dập nát đã được ban tiếp phẩm loại bỏ trước khi chế biến, được camera ghi lại. Hình ảnh thực phẩm dập nát được đưa lên mạng xã hội là phụ huynh chụp lại ngay sau khi thực phẩm bị loại bỏ.
Với một số phản ánh học sinh có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm, nhà trường chưa tiếp nhận thông tin nào. Ban An toàn thực phẩm thành phố đã kiểm tra trường hồi giữa tháng 10 và kết luận không có dấu hiệu vi phạm quy định an toàn thực phẩm.
Theo ông Cường, quận đã chỉ đạo thay đổi nhà cung cấp thực phẩm và gia vị, trường phải công khai khẩu phần ăn hằng ngày bằng hình ảnh cho phụ huynh, các khoản thu chi. Trường Trần Thị Bưởi được yêu cầu gắn camera trong khu vực nhà bếp, nhà ăn, giám sát từ khâu nhập nguyên liệu đến chế biến thực phẩm, phân chia khẩu phần. "Trong quá trình chờ nhà bếp mới, đơn vị hiện tại tiếp tục làm, dưới sự giám sát của trường và phụ huynh, không được làm gián đoạn việc học tập, sinh hoạt của học sinh", ông Cường nói.
Sau gần 5 tiếng làm việc, đến 20h cuộc họp mới kết thúc nhưng vẫn chưa có sự đồng thuận giữa phụ huynh và nhà trường về bữa ăn bán trú và các khoản thu, chi.
Trước đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 9 nhận trách nhiệm về những sự việc xảy ra tại trường Tiểu học Trần Thị Bưởi. Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM đề nghị quận 9 thành lập đoàn kiểm tra toàn bộ hoạt động của trường từ đầu năm học đến nay.
Theo Khoản 4, Điều 3, Thông tư 55/2011-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh, các thành viên ban đại diện cha mẹ học sinh có thể thay đổi, bổ sung khi cần thiết theo đề nghị của trưởng ban.
Việc thay đổi, bổ sung thành viên ban đại diện cha mẹ học sinh lớp do toàn thể cha mẹ học sinh lớp quyết định; việc thay đổi, bổ sung thành viên ban đại diện cha mẹ học sinh trường do toàn thể ban đại diện cha mẹ học sinh trường quyết định.