Trình Quốc hội tại phiên họp ngày 4/1, Chính phủ đề xuất đầu tư thêm 729 km đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025 và sử dụng ngân sách Nhà nước. 12 dự án cao tốc Bắc Nam dài 729 km, tổng mức đầu tư khoảng 146.990 tỷ đồng. Bình quân suất đầu tư hơn 175 tỷ đồng/km, chưa gồm chi phí giải phóng mặt bằng.
Trong báo cáo vừa gửi Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước cho rằng tổng mức đầu tư sơ bộ này chưa làm rõ một số yếu tố và cao hơn đáng kể con số cơ quan này tính toán. Cụ thể, theo Kiểm toán Nhà nước, số liệu sơ bộ tổng mức đầu tư 12 dự án thành phần mới (729 km) của cao tốc Bắc Nam là 130.604 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng, thiết bị là 89.111 tỷ đồng; giải phóng mặt bằng 19.097 tỷ; chi phí quản lý dự án 6.036 tỷ đồng và khoản dự phòng 16.361 tỷ đồng.
Như vậy, con số Kiểm toán Nhà nước tính toán giảm 16.330 tỷ đồng so với dự kiến của Chính phủ, với suất đầu tư bình quân 152,9 tỷ đồng/km (không bao gồm giải phóng mặt bằng).
Việc tính toán của cơ quan kiểm toán dựa trên cơ sở xem xét suất đầu tư của các dự án tương tự về loại, cấp, quy mô công trình... đã triển khai. Chẳng hạn, dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết có tổng mức đầu tư 10.854 tỷ đồng cho 101 km, tương đương 107,5 tỷ đồng một km. Hay dự án thành phần đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo (hình thức PPP) tổng đầu tư là 9.620,2 tỷ đồng cho 78,5 km, tương đương 122,6 tỷ đồng/km. Còn dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây có tổng đầu tư 12.577 tỷ đồng, tương đương 125,77 tỷ đồng/km.
Do đó, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải và cơ quan liên quan rà soát kỹ sơ bộ tổng mức đầu tư của các dự án, tính khả thi của sơ bộ tổng mức đầu tư, tham khảo số liệu của dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1 để bảo đảm khả năng cân đối nguồn vốn giai đoạn 2021-2025, có đủ vốn hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2025.
Về đề xuất triển khai 12 dự án theo hình thức đầu tư công, dẫn Luật Đầu tư công 2019, cơ quan kiểm toán cho rằng điều kiện quyết định chủ trương đầu tư dự án phải phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn, đáp ứng được nguồn vốn theo kế hoạch phân kỳ đầu tư, tiến độ dự án, nợ công, cơ sở pháp lý việc thu phí.
Hiện nay Chính phủ chưa có quy định cụ thể về thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư để làm cơ sở triển khai, đồng thời cần có phương án cụ thể trong việc nhượng quyền thu phí đảm bảo tính khả thi.
Anh Minh