Ngày 7/6, thảo luận về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015, một số đại biểu lo ngại về quyền riêng tư khi kiểm toán viên có quyền truy cập vào dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán.
Bà Đàng Thị Mỹ Hương - Trưởng ban Văn hoá xã hội HĐND tỉnh Ninh Thuận cho rằng, việc đánh giá tác động quy định này chưa được ban soạn thảo nêu rõ ràng. "Với quy định này thì quyền riêng tư, thông tin bí mật cá nhân được pháp luật bảo vệ như thế nào", bà Hương đặt câu hỏi.
Ở góc độ khác, ông Hoàng Văn Cường - Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân lại cho rằng, trong thời đại công nghệ số, cách mạng 4.0 thì "đương nhiên kiểm toán phải được quyền sử dụng những dữ liệu điện tử để phục vụ kiểm toán".
Ủng hộ tăng quyền cho Kiểm toán Nhà nước để "làm tốt hơn quản lý tài chính, tài sản công", ông Đỗ Văn Sinh - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế cho rằng, bổ sung quyền truy cập thông tin là không trái Hiến pháp. Ông đề nghị, cần sửa, điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các luật có liên quan để tăng thẩm quyền cho Kiểm toán nhà nước.
Giải thích về quy định này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng, đây là yêu cầu hết sức cần thiết, để kiểm toán viên Nhà nước không cần xuống đơn vị, tránh tiếp xúc với đối tượng được kiểm toán. "Vấn đề bí mật nhà nước và truy cập, kiểm tra số liệu, chúng tôi sẽ thực hiện theo quy định", ông nói.
Ngoài lo ngại việc bảo mật dữ liệu của đơn vị được kiểm toán, bà Đàng Thị Mỹ Hương cũng cho rằng, quy định Kiểm toán Nhà nước được quyền xử phạt hành chính tại dự luật sẽ vượt qua nhiệm vụ, không phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính. Bà Hương để nghị xem lại tính phù hợp, đảm bảo thống nhất với luật hiện hành.
Ông Tống Thanh Bình - Phó đoàn chuyên trách Lai Châu cũng đồng tình. Ông Bình nói, xử lý vi phạm hành chính đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Giải trình về vấn đề này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết. việc xử phạt hành chính ở đây chỉ áp dụng khi có hành vi cản trở, chống đối hoạt động của kiểm toán. "Chúng tôi chỉ phạt hành vi cản trở và chống đối. Các quốc gia trên thế giới đều có quy định về vấn đề này, thậm chí tại Hàn Quốc còn phạt tù lên đến 6 tháng", ông Phớc nêu.
Cũng góp ý vào dự thảo Luật lần này, nhiều đại biểu đề xuất lập cơ quan độc lập kiểm soát chất lượng kiểm toán. Ông Phạm Hồng Phong - Phó chánh án Toà án nhân dân tối cao TP HCM cho rằng, cần thành lập một cơ quan đặc biệt để tổ chức giải quyết khiếu nại của người dân liên quan đến các kết luận kiểm toán. "Cơ quan này sẽ thuộc Quốc hội, thành viên gồm Bộ Tài chính, Ủy ban Tài chính – Ngân sách, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội... kiểm toán lĩnh vực nào thì có thành viên hiểu biết lĩnh vực đó tham gia", ông Phong đề xuất.
Anh Minh