10,3 triệu tấn carbon giảm phát thải từ các khu rừng tại 6 tỉnh Bắc Trung Bộ được chuyển nhượng với giá trị 5 USD/ tín chỉ, đem lại lợi nhuận ước tính 1.250 tỷ đồng. Vậy là rừng đã biến thành vàng, thậm chí rất nhiều vàng.
Tín chỉ carbon (Carbon credit) là một loại hình giấy phép hoặc chứng chỉ có thể giao dịch, có giá trị mua bán, và cung cấp cho người nắm giữ tín chỉ quyền phát thải một tấn CO2 hoặc một loại khí thải khác nằm trong danh sách khí thải nhà kính.
Tín chỉ carbon vẫn là thứ rất khó hiểu, nhưng thông tin trên đương nhiên khiến người nông dân hồ hởi. Vậy cần làm gì để nhận tiền từ các khoản bán tín chỉ carbon?
Tôi vẫn nhớ cuộc trò chuyện với các chuyên gia hàng đầu về môi trường hai năm trước, khi đang làm việc tại Viện Nghiên cứu chiến lược môi trường toàn cầu (Institute for Global Environmental Strategies) ở Nhật Bản. Tiến sĩ Pankaj Kumar - trưởng nhóm nghiên cứu chính sách - nói: "Việc quan trọng nhất trong mọi chính sách môi trường là nâng cao nhận thức của những người chịu tác động trực tiếp".
Khả năng cao, người nông dân không biết phát triển nông nghiệp là nguyên nhân cao thứ hai trong tổng phát thải nhà kính tại Việt Nam.
World Bank đã cam kết mua tín chỉ carbon từ Việt Nam với giá tối thiểu 10 USD/tín chỉ từ việc trồng lúa giảm phát thải. Nhưng giao dịch chỉ xảy ra khi kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến được áp dụng với chính sách "1 phải - 5 giảm": phải sử dụng giống lúa đã được kiểm định và xác nhận; giảm giống, giảm nước, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật, và giảm thất thoát sau thu hoạch.
Muốn thực sự nhận được tiền, dự án phải được duyệt, những cam kết phải được tuân thủ và việc giảm phát thải phải được đo lường theo thời gian. Nếu không có những chương trình đào tạo và tập huấn quy mô lớn cho nông dân, lượng giảm phát thải sẽ không đạt tiêu chuẩn ban đầu, dẫn đến số tín chỉ carbon tạo ra không đáng kể. Nỗ lực coi như xôi hỏng bỏng không.
Vấn đề tiếp theo là quản lý tín chỉ carbon thế nào để bán?
Cả thế giới đang ưu tiên những mục tiêu lớn lao như "Giảm phát thải ròng về 0" (Net Zero Carbon) hay "Trung hòa Carbon" (Carbon Neutral). Song hãy nhìn vào thực tế: Khi đề cập đến những mục tiêu trên, các doanh nghiệp hay nguồn phát thải luôn nhấn mạnh "phát thải ròng bằng 0 trong quá trình vận hành hoạt động". Nghĩa là doanh nghiệp chỉ tính toán bù trừ lượng phát thải phát sinh trong quá trình vận hành, mà bỏ qua sản phẩm hay dịch vụ họ tạo ra. Điều này giống như tự cho rằng nếu toàn bộ nhân viên ăn chay thì công ty mặc định được coi là quan tâm đến sức khỏe, dù sản phẩm của họ là gà rán.
Thiếu quy định rõ ràng trên trường quốc tế là nguyên nhân chính dẫn đến các lỗ hổng kinh tế. Một khi chưa có quy định và chế tài nghiêm ngặt, việc tham gia thị trường mua bán thương mại carbon sẽ khiến gánh nặng không chỉ tác động đến người dân địa phương mà còn tới các chính phủ - do phải chịu trách nhiệm khắc phục những tổn thất do các dự án "xanh giả" gây ra.
Tại Việt Nam, tháng 1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 06/2022 về việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozone. Từ nay đến hết năm 2027, Việt Nam sẽ xây dựng hệ thống quy định, chính sách nền tảng cho thị trường vận hành cũng như thành lập và tổ chức thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon. Từ năm 2028, Việt Nam dự định chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon.
Nghị định này là một sự chuẩn bị sớm và cần thiết các quy định và chế tài đối với thị trường giao dịch carbon. Tuy nhiên, sự phức tạp trong quản lý vấn đề mới mẻ này vẫn sẽ còn tạo ra nhiều thách thức khác.
Tôi tin trước khi xây dựng thị trường giao dịch carbon, Việt Nam nên cân nhắc áp dụng cơ chế áp thuế carbon, trước hết với các mặt hàng như than đá, xăng dầu và khí tự nhiên.
Ngay cả các thị trường phát triển trên thế giới như Nhật Bản hay Canada cũng đang sử dụng công cụ thuế suất, và mới chỉ thí điểm thị trường giao dịch carbon tại một vài trung tâm kinh tế lớn như Quebec, Tokyo hay Saitama.
Dù có sự khác nhau cơ bản về bản chất cũng như cơ chế, phương án áp thuế carbon có nhiều ưu điểm so với việc tham gia hay tổ chức thị trường giao dịch carbon riêng. Thứ nhất, cả hai công cụ này đều đồng thuận nguyên tắc: "Người gây ô nhiễm chịu trách nhiệm" (Polluter pays). Chúng áp đặt một mức giá rõ ràng đối với carbon, khuyến khích các nhà sản xuất và người tiêu dùng hấp thụ một phần chi phí xã hội do phát thải khí nhà kính. Điều này tạo động lực cho việc phát triển các giải pháp giảm phát thải hoặc thay thế nguyên liệu carbon.
Thứ hai, áp thuế carbon giúp chính phủ không phải "cầm tay chỉ việc" cho các doanh nghiệp. Các cá nhân và công ty có toàn quyền quyết định cách phản ứng tốt nhất dựa trên các yếu tố như thị trường, định giá, quy mô... mà không phải tốn thêm chi phí thuê bên thứ ba tư vấn hoặc đào tạo nhân viên về các quy định cũng như cơ chế để tham gia vào thị trường giao dịch.
Thứ ba, dù cả hai loại hình đều tạo ra doanh thu, thuế carbon sẽ làm tăng trực tiếp nguồn thu công, trong khi việc tổ chức đấu giá hạn mức phát thải hay tín chỉ carbon có thể gặp nhiều khó khăn về thủ tục hành lang pháp lý, thời gian và độ hiệu quả.
Thế giới đang áp dụng thuế carbon theo hai cách phổ biến: (1) tích hợp thuế carbon vào một loại thuế môi trường sẵn có; và (2) soạn thảo và ban hành thuế carbon riêng.
Phương án ban hành thuế carbon như một loại thuế mới và độc lập có rất nhiều hạn chế, phải qua quá trình soạn thảo và phê duyệt phức tạp, tăng chi phí hành chính và kỹ thuật không cần thiết. Việt Nam đã có thuế bảo vệ môi trường, phần nào trùng mục đích với thuế carbon. Soạn một luật thuế carbon riêng nữa dễ gây ra tình trạng áp thuế hai lần gây quá tải cho các doanh nghiệp. Hơn nữa, với sự thay đổi nhanh của tình trạng biến đổi khí hậu cũng như các yếu tố vĩ mô, ban hành thuế carbon độc lập sẽ cần giám sát và thay đổi liên tục để phù hợp với tình hình kinh tế, gây khó khăn trong quản lý.
Vì vậy, Việt Nam nên tích hợp thuế carbon vào thuế bảo vệ môi trường sẵn có dựa vào tính tương thích cao giữa hai loại thuế, giúp việc quản lý dễ dàng hơn trong mọi khâu từ đăng ký, kê khai tới nộp và quyết toán.
Việt Nam có nhiều ưu thế về thiên nhiên khi sở hữu hơn 14,8 triệu ha rừng với tỷ lệ che phủ rừng là 42,02%. Với 3.260 km đường bờ biển trải dài từ cảng Núi Đỏ (Móng Cái) đến cửa khẩu Hà Tiên (Kiên Giang), Việt Nam cũng nằm trong những quốc gia ven biển có đường bờ biển dài trên thế giới.
Với những lợi thế này, Việt Nam có bể hấp thụ carbon rất tiềm năng cả khi "lên rừng" hay "xuống biển". Tuy vậy, việc bảo vệ rừng hay hệ sinh thái biển cũng như cấp vốn cho những dự án này lại chưa được quan tâm đúng mức.
Tôi luôn băn khoăn "rừng vàng - biển bạc" thực tế được định giá cụ thể thế nào và bán với giá bao nhiêu. Nay thì câu trả lời đã bắt đầu rõ ràng.
Phạm Tâm Long