Nghiên cứu khoa học "Đánh giá hiệu quả của chương trình Giáo dục tự quản lý bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 qua ứng dụng trực tuyến", do BS.CKII Nguyễn Hữu Lành làm chủ nhiệm, phối hợp cùng BS.CKII Nguyễn Hoàng Vũ và Công ty Cổ phần Công nghệ Y tế DIA-B (DIAB) thực hiện, cho thấy, thay đổi lối sống góp phần kiểm soát chỉ số đường huyết, giúp giảm nguy cơ mắc biến chứng ở bệnh nhân tiểu đường. Đây là phương pháp mang lại tác dụng trực tiếp, dễ thực hiện và ít tốn kém.
Đề tài được thực hiện tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định bắt đầu từ năm 2022 và triển khai trong vòng 6 tháng, trên 152 bệnh nhân tiểu đường tuýp 2. Những người tham gia nghiên cứu được chia làm 2 nhóm, bao gồm: Nhóm Chứng - được giữ nguyên phác đồ điều trị bằng thuốc và Nhóm Can thiệp - có tham gia áp dụng thêm chương trình "Hướng dẫn tự chăm sóc và quản lý đường huyết" của DIAB, song song với điều trị bằng thuốc.
Theo BS.CKII Nguyễn Hữu Lành, sau 6 tháng thực hiện, các bệnh nhân ở nhóm Chứng chỉ có mức giảm HbA1c trung bình 0,28% và mức giảm chỉ số đường huyết trung bình là 0,72 mmol/l. Trong khi đó, các bệnh nhân ở nhóm Can thiệp có mức giảm HbA1c trung bình lên đến 1,57% và mức giảm chỉ số đường huyết trung bình lên đến 2,26 mmol/l, cân nặng và số đo vòng bụng cũng giảm đáng kể. "Nhóm bệnh nhân ở nhóm Can thiệp chia sẻ, họ thấy kiến thức về bệnh lý, dinh dưỡng, vận động được cải thiện rõ rệt sau khi tham gia chương trình "Hướng dẫn tự chăm sóc và quản lý đường huyết", bác sĩ Lành chia sẻ.
Bệnh nhân Nguyễn Bá Thuận, 55 tuổi (Bình Định), tiền sử tiểu đường làm xét nghiệm HbA1c, kết quả chỉ số đường huyết ở mức 6,39%. Trước đó 6 tháng, chỉ số đường huyết của người bệnh ở mức 8%. Anh Thuận là một trong 152 bệnh nhân mắc đái tháo đường tham gia nhóm nghiên cứu.
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Lành, các nghiên cứu cho thấy, người mắc bệnh tiểu đường chỉ cần giảm 1% chỉ số HbA1c có thể giảm được 35% nguy cơ mắc biến chứng thận, võng mạc hay thần kinh. Tuy nhiên, hiện nay các khảo sát cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân có thể tự quản lý tốt đường huyết chỉ đạt khoảng hơn 30% so với kỳ vọng. "Đa số các bệnh nhân thấy khó khăn trong việc tự thay đổi lối sống như ăn uống khoa học, tập thể dục thể thao, quản lý căng thẳng", bác sĩ Lành nói.
Cũng theo vị chủ nhiệm đề tài, hướng dẫn tự chăm sóc đường huyết của DIAB giúp cung cấp kiến thức về bệnh lý, dinh dưỡng, vận động, tinh thần dưới dạng video, mẹo vặt ngắn gọn, dễ hiểu, dễ áp dụng cho bệnh nhân tiểu đường. Chương trình có sự đồng hành của đội ngũ huấn luyện viên sức khỏe được đào tạo tại Học viện Dinh dưỡng Tổng hợp Mỹ (IIN).
Bà Hồng Vân (67 tuổi, TP HCM) từng bi quan khi cùng lúc mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim. Nhưng sau hơn 3 tháng quyết tâm thay đổi lối với sự đồng hành của huấn luyện viên sức khỏe, chỉ số HbA1c của bệnh nhân giảm từ 8,7% xuống còn 6,6%, đường huyết ổn định, cân nặng giảm từ 59 kg xuống còn 56 kg. "Tình trạng mỡ máu cũng cải thiện rõ rệt, đây là những điều mà trước giờ tôi chưa bao giờ hy vọng mình đạt được", bác Vân nói.
Hiện, chương trình "Hướng dẫn tự chăm sóc và quản lý đường huyết" đang được triển khai tại nhiều bệnh viện lớn trên cả nước. Đây là hoạt động thuộc Chiến dịch "Vì một cộng đồng Đái tháo đường Việt Nam khỏe mạnh". Chiến dịch do DIAB - Đơn vị chuyên cung cấp giải pháp Hướng dẫn Thay đổi lối sống dành cho bệnh nhân tiểu đường phối hợp thực hiện cùng Công ty TNHH Nipro Sales Việt Nam (NSV), thuộc Tập đoàn Nipro Nhật Bản.
Anh Chi
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.