Khi mắc bệnh đái tháo đường, nhiều người thường nghĩ chỉ cần kiểm soát mức đường huyết lúc đói hoặc sau ăn là an toàn. Tuy nhiên, theo GS.TS.BS Trần Hữu Dàng - Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, việc kiểm soát chỉ số HbA1c dưới 7% quan trọng hơn.
Chỉ số HbA1c cần giữ ở mức dưới 7%
Nhiều bệnh nhân đái tháo đường đã có các biến chứng ở tim mạch, thận, mắt... mà không biết, nhất là làm test nhanh và thấy đường huyết vẫn dưới ngưỡng. Tuy nhiên, nếu thực hiện xét nghiệm HbA1c thì có thể phát hiện bệnh vẫn chưa được kiểm soát tốt. Đái tháo đường gây biến chứng nặng lên hầu hết các cơ quan trong cơ thể, chẳng hạn như nhồi máu cơ tim, xuất huyết não do xơ vữa động mạch, hoại tử chân phải cắt cụt, suy thận, mù mắt...
GS Dàng cho biết do bệnh phát triển âm thầm nên khi phát hiện bị đái tháo đường 50% trường hợp đã có biến chứng.
Khi kiểm soát bệnh đái tháo đường, nhiều người thường chỉ để ý đến xét nghiệm đường huyết lúc đói và sau ăn hai giờ. Chỉ số này cung cấp thông tin về lượng đường trong máu ngay tại thời điểm thử. Mức đường huyết lúc đó thấp không đồng nghĩa với việc bệnh đã được kiểm soát tốt và không xảy ra biến chứng.
Chỉ số HbA1c đánh giá mức độ ổn định đường huyết của người bệnh trong suốt khoảng thời gian 3 tháng gần đây. Duy trì chỉ số HbA1c nhỏ hơn 7% có thể phản ánh tình trạng kiểm soát đường huyết, thể hiện hiệu quả điều trị lâu dài cho bệnh nhân, giúp trì hoãn biến chứng.
Theo dữ liệu nghiên cứu tiềm năng về đái tháo đường tại Anh (UKPDS 88), HbA1c chỉ cần giảm 1% thì bệnh nhân có thể được giảm thiểu 19,7% nguy cơ nhồi máu cơ tim và giảm 18,8% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân.
Cách kiểm soát chỉ số đường huyết
Bệnh nhân chỉ cần thay đổi chế độ ăn trong một vài ngày có thể giảm mức đường huyết lúc đói. Chỉ số HbA1c chỉ giảm khi bệnh nhân tuân thủ chế độ ăn uống, tập luyện và dùng thuốc trong vài tháng. Vì vậy, đây là chỉ số trung thực để đánh giá kết quả điều trị.
Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn theo dõi sát sao hơn để kiểm soát tốt đường huyết của bản thân. Để duy trì chỉ số HbA1c ổn định, người bệnh cần uống thuốc đúng liều, đủ lịch, tiêm isulin (nếu có) theo chỉ định của bác sĩ. Lượng carbohydrate nạp vào cơ thể mỗi ngày cần ở mức phù hợp để tránh tăng đường huyết đột ngột. Bạn có thể áp dụng quy tắc đĩa thức ăn: nửa đĩa rau, 1/4 protein (chất đạm) và 1/4 ngũ cốc nguyên hạt. Nếu bạn thích trái cây thì chỉ nên ăn một chén nhỏ, ăn với một ít protein hoặc chất béo nạc. Các thực phẩm cần hạn chế như thịt chế biến sẵn, thực phẩm nhiều đường, chất béo, nước có gas, nước ép trái cây...
Tùy theo tình hình sức khỏe, người bệnh có thể tập thể dục thường xuyên, nên duy trì 20-30 phút mỗi ngày, khoảng 3 lần mỗi tuần. Các môn thể thao có lợi như đi bộ, chạy xe đạp, yoga... Bạn nên tránh tập thể dục quá sức vì có thể gây hạ đường huyết, có thể ăn nhẹ trước khi tập, uống đủ nước.
"Để kiểm soát bệnh đái tháo đường điều quan trọng là bệnh nhân cần được trang bị kiến thức để tự quản lý. Đó là lý do chúng tôi đã xây dựng chuỗi chương trình cho người bệnh đái tháo đường từ năm 2016 đến nay, nhấn mạnh về ý nghĩa của con số 7 trong việc điều trị", GS Dàng nói thêm.
Trong tháng 7, chiến dịch "Kiểm soát đường huyết tốt với HbA1C nhỏ hơn 7" sẽ được triển khai tại 7 bệnh viện như Bệnh viện Lão khoa Trung Ương (Hà Nội), Bệnh viện Saintpaul (Hà Nội), Bệnh viện Quận Tân Phú (TP HCM), Bệnh viện TP Thủ Đức (TP HCM), Bệnh viện Đa khoa TP Vinh (Nghệ An), Bệnh viện Tim mạch An Giang (An Giang) và Bệnh viện Hoàn Hảo (Bình Dương).
Kim Uyên
Chiến dịch Kiểm soát đường huyết tốt với HbA1C nhỏ hơn 7 nằm trong khuôn khổ dự án "Ngày đầu tiên" của Servier Việt Nam đồng hành cùng Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam. Dự án được khởi xướng từ năm 2016 đến nay với 50 góc tư vấn "Ngày đầu tiên" triển khai tại các bệnh viện, cơ sở điều trị cùng với các nền tảng trực tuyến như website, fanpage, youtube với hơn 1,5 triệu lượt người theo dõi nhằm tăng nhận thức của cộng đồng về bệnh đái tháo đường.