Tập đoàn Kido (KDC) không còn giữ vốn trong Công ty TNHH Calofic - chủ sở hữu nhiều nhãn dầu ăn như Neptune, Simply, Meizan, Cái Lân, Kiddy... Đây là kết quả của việc công ty con Vocarimex chuyển nhượng 24% cổ phần đang nắm giữ tại Calofic cho Siteki Investment với giá trị gần 2.158 tỷ đồng.
Calofic là công ty liên doanh giữa Vocarimex và Siteki Investment (thuộc Tập đoàn Wilmar International). Công ty được thành lập vào năm 1996 với số vốn ban đầu 22 triệu USD, tổng vốn đầu tư cho tới nay hơn 260 triệu USD. Calofic là một trong những đơn vị đặt nền móng cho ngành công nghiệp sản xuất và chế biến dầu thực vật tại Việt Nam. Hiện công ty có 2 nhà máy sản xuất tại Quảng Ninh và TP HCM với tổng công suất lên đến 2.300 tấn một ngày đêm.
Sau thương vụ, Calofic hoàn toàn thuộc về doanh nghiệp đến từ Singapore. Điều này đồng nghĩa, Tập đoàn Kido chỉ còn sở hữu một thương hiệu dầu ăn duy nhất có thị phần lớn là Dầu thực vật Tường An (TAC). Đây cũng là "át chủ bài" của KDC ở mảng dầu ăn - lĩnh vực đóng góp tới hơn 80% doanh thu trong 9 tháng.
2 năm qua, Tập đoàn Kido tái cấu trúc ngành dầu nhằm nâng cao thị phần. Theo đó, Kido đảm nhiệm phân phối bán lẻ các sản phẩm dầu ăn, trong khi Tường An phụ trách hoạt động sản xuất. Công ty Vocarimex sẽ tập trung vào bán buôn dầu ăn.
Trước khi thoái vốn Calofic, doanh nghiệp này cũng đã hủy niêm yết TAC hồi đầu năm nhằm tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy quản lý, tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Đích đến là đưa Tường An lên vị trí dẫn đầu ngành dầu ăn tại Việt Nam.
Kế hoạch trên được đưa ra trong bối cảnh doanh nghiệp này đang đứng nhì thị trường. Năm 2021, theo Euromonitor, KDC chiếm hơn 19% thị phần (không bao gồm phân khúc bán buôn). Hồi tháng 4/2022, Kido tự công bố giữ vị trí thứ nhì với thị phần theo tỷ lệ sở hữu và chi phối khoảng 39% (thời điểm này Kido vẫn còn giữ 24% trong Calofic).
Lãnh đạo công ty từng chia sẻ, Tường An đang nắm giữ thị phần tốt ở miền Nam và đang có kế hoạch "Bắc tiến", có thể đối đầu trực diện với Calofic đang chiếm lĩnh miền Bắc. Công ty cũng dồn nguồn lực để phát triển nhà máy dầu Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Vinh (Nghệ An) để hỗ trợ kế hoạch này.
Từ lúc niêm yết, Dầu Tường An chưa bao giờ kinh doanh thua lỗ, kể cả giai đoạn khó khăn như năm 2021. Tuy vậy, kết quả kinh doanh không đồng đều, có năm lợi nhuận giảm 3,5 lần sau đó dần tăng, rồi vọt lên gấp đôi.
Một trong những vấn đề lớn là biên lợi nhuận gộp quá mỏng. Nguyên nhân xuất phát từ đặc thù của ngành dầu ăn trong nước - chi phí giá vốn rất cao do phải nhập khẩu các nguyên liệu chính từ nước ngoài. Trung bình trong giai đoạn 2010-2021, giá vốn của Dầu Tường An dao động khoảng 84-93%.
Những năm gần đây, dưới sự dẫn dắt của Kido, TAC làm việc với các nông trường và nhà cung cấp lớn giúp công ty tiếp cận nguyên liệu rẻ hơn. Biên lãi gộp được cải thiện từ mức dưới 10%, tăng dần và chạm đỉnh 16% trong năm 2019. Tuy nhiên, đầu vào phụ thuộc vào nhập khẩu khiến Tường An vẫn đối mặt với rủi ro khi giá cả biến động. Năm ngoái, biên lợi gộp của công ty đã giảm đến hơn 43% do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Trong tương lai, nhóm phân tích của SSI Research tin rằng các thương hiệu dầu ăn Kido còn nhiều dư địa phát triển khi mở rộng phân khúc sản phẩm và tận dụng mạng lưới phân phối khoảng 450.000 điểm bán hàng. Đơn vị này ước tính doanh thu của mảng dầu ăn của KDC sẽ tăng 6,5% so với cùng kỳ trong năm 2023, lợi nhuận gộp có thể đạt 18,4% (năm 2022 khoảng 15%) do giá dầu cọ giảm mạnh từ nửa cuối năm nay.
Tất Đạt