Vở kịch là tác phẩm thứ hai trong năm nay của sân khấu 5B Võ Văn Tần về đề tài LGBT - sau Tía ơi con lấy chồng. Lấy bối cảnh tại Đà Lạt, tác phẩm kể chuyện tình của hai chàng trai: Công Anh và Công Em. Đôi tình nhân bị đặt vào thách thức: vượt qua định kiến để giữ lấy hạnh phúc, hay buông xuôi chấp nhận theo sắp đặt của người thân. Kết thúc của tác phẩm mở ra thông điệp: hạnh phúc là khi sống thật với bản thân.
Dù giữ vai phụ, dàn nghệ sĩ gạo cội tạo nên sức hút cho tác phẩm với diễn xuất vững vàng. NSƯT Hạnh Thúy vào vai bà mẹ vì thương con mà liên tiếp phạm sai lầm. Cho rằng tình yêu của con là sai trái, bà quyết tâm đạp đổ hạnh phúc con đang có để ép anh lấy vợ, sinh con theo ý mình. Hạnh Thúy - vốn quen với dạng nhân vật tảo tần, chịu khổ - biến hóa trong vai nữ doanh nhân nhiều mưu toan, vừa muốn con hết bệnh đồng tính, vừa muốn anh vực dậy sự nghiệp kinh doanh của gia đình. Phân đoạn người mẹ bắt cóc người yêu của con trai trở thành cao trào của vở, khiến tác phẩm từ tươi sáng chuyển màu bi kịch.
NSƯT Mỹ Uyên đóng vai Sơn Quỳnh, một phụ nữ có hôn phu là người đồng tính. Biết anh có quan hệ tình cảm với một chàng trai khác, cô vẫn chấp nhận, tiến tới với niềm tin có thể cảm hóa anh. Bi kịch của cô là nỗi đau giằng xé giữa việc muốn giữ chồng ở mãi bên mình, hay trả anh lại thế giới nơi anh thuộc về. Mỹ Uyên cùng NSƯT Hữu Quốc - vai Công Em khi về già - lấy nước mắt khán giả ở nhiều phân đoạn.
Dàn nghệ sĩ trẻ đóng tròn vai. Lợi thế ngoại hình, diễn xuất chỉnh chu của đôi diễn viên chính gây ấn tượng qua những cảnh hẹn hò lãng mạn giữa ngọn đồi bồ công anh. Hoàng Ngọc Sơn - Á quân Thần tượng Bolero 2017 - thể hiện sự bất lực của một chàng trai không thể đấu tranh vì người yêu, hay trầm cảm trong cuộc hôn nhân không lối thoát. Anh có màn khoe giọng với ca khúc chủ đề. Hữu Tài vào vai chàng trai vì người mình yêu mà chấp nhận rút lui. Cảnh đôi vai run run cùng tiếng khóc nấc của Công Em khi nhường lại hạnh phúc cho người khác, gợi nhiều đồng cảm cho khán giả.
Bên sắc màu trầm buồn, vở điểm xuyết những cảnh gây cười bởi nhóm bạn chuyển giới - Mai, Lan, Cúc, Trúc ở tiệm hoa. Màn diễn hài hình thể của Tuyền Mập, Tuấn Kiệt, Lâm Nguyễn... được gia giảm vừa phải. Những câu đùa về giới tính cũng được chắt lọc để không tạo cảm giác quá lố. Phần hóa trang thành drag-queen phản ánh cuộc sống nhộn nhịp về đêm của những người chuyển giới.
Trung thành với phong cách cũ, các diễn viên 5B thoại không mic trên nền bối cảnh đơn giản. Tấm bạt lớn cùng các khóm hoa giả vừa đóng vai trò trang trí, vừa trở thành hình ảnh ngụ ý: hạnh phúc của các nhân vật cũng như loài bồ công anh, mong manh, dễ bay theo gió. Ngoài ca khúc chính, phần âm nhạc chủ yếu là giai điệu hòa tấu, gợi âm hưởng buồn.
NSƯT Hữu Quốc - đồng đạo diễn - cho biết anh ấp ủ tác phẩm 10 năm qua. Số phận các nhân vật trong vở đều do anh gặp gỡ, ghi ghép từ đời thật. Anh nói: "Nhiều năm, tôi muốn dựng vở nhưng sợ chưa đúng thời điểm để đưa kịch bản lên sân khấu chính thống. Gần đây, thấy hiệu ứng từ các tác phẩm cùng đề tài, tôi và êkíp tự tin hơn với quyết định của mình".
Tam Kỳ