Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Ngọc - chỉ đạo nghệ thuật của sân khấu - cho biết hơn 2.500 vé của sáu suất được bán hết trước ngày diễn, 28-30/6. Chị nói: "Chúng tôi bất ngờ và mừng vì kịch xã hội hóa vẫn còn 'đất' sống. Chinh phục khán giả miền Nam là một thách thức lớn với các sân khấu miền Bắc". Trước đó, đơn vị này diễn hơn 20 suất tại Hà Nội và được khán giả hưởng ứng dù mới kết thúc giãn cách xã hội.
Vở Thị Nở - Chí Phèo do tác giả Lê Chí Trung phóng tác truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao, đạo diễn - Nghệ sĩ Nhân dân Lê Hùng dàn dựng. Ra mắt từ đầu năm 2019, vở đón hơn 17.500 lượt khán giả trong nước với 35 suất, công diễn tại tại Hàn Quốc, Pháp, Italy...
Biên kịch thêm nhiều tình tiết để vở mang màu sắc hiện đại hơn, như chuyện chơi golf, du lịch... Nghệ sĩ Lệ Ngọc diễn hai vai - Thị Nở và bà Ba (vợ Bá Kiến), nghệ sĩ Tiến Minh vào vai Chí Phèo. Lệ Ngọc cho biết một trong những phân đoạn khó nhất của vở là cảnh "nóng" giữa Chí Phèo, Thị Nở. Êkíp xử lý bằng cách mô tả hành động ân ái qua cảnh tàu lá chuối xào xạc, lời thoại nhân vật và bố cục ánh sáng. Kết thúc của vở được thay đổi theo chiều hướng nhân văn.
Trong chuyến "Nam tiến", sân khấu Lệ Ngọc còn diễn hai vở. Cây tre thần lấy ý tưởng kịch bản từ truyện cổ tích Việt - Cây tre trăm đốt, diễn vào các ngày 26 và 27/6 tại Nhà hát TP HCM. Vở kể về anh nông dân bị lão phú hộ "quỵt" lời hứa gả con gái nếu anh làm việc chăm chỉ trong 3 năm. Vở Hoa sen lửa lấy đề tài phòng chống tội phạm, ca ngợi hình tượng của chiến sĩ công an, diễn ngày 3/7 tại Nhà hát TP HCM. Ba vở nằm trong chuỗi chương trình Tìm về văn hóa nguồn cội của sân khấu.
Sân khấu Lệ Ngọc là đơn vị kịch nói xã hội hóa đầu tiên ở Hà Nội. Từ năm 2013, sân khấu hoạt động tại Nhà hát kịch Quốc gia TP HCM. Nhiều tác phẩm tại đây được mời diễn ở các liên hoan sân khấu quốc tế như Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines, Hàn Quốc...
Mai Nhật