Tối 10/1, sân khấu Lệ Ngọc công diễn vở kịch Thị Nở và Chí Phèo tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Là người dàn dựng tác phẩm, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Hùng trước đó cho biết ông không đi theo lối minh họa truyện ngắn của nhà văn Nam Cao. Vở kịch vì thế giữ tinh thần của tác phẩm gốc nhưng có nhiều nét mới mẻ.
Là cậu bé bị bỏ rơi ở lò gạch, Chí Phèo lớn lên ở đợ cho nhà Bá Kiến. Vì lọt vào mắt xanh bà Ba, cậu bị Bá Kiến tống vào tù sau một lần bị bắt gặp bóp chân cho bà. Sau bảy, tám năm ở tù, Chí Phèo trở về thành tên du côn đâm thuê chém mướn, rạch mặt ăn vạ.
Giữa không khí ngột ngạt của làng quê phong kiến Bắc Bộ, mối tình của Thị Nở và Chí Phèo là nét chấm phá lãng mạn của vở kịch. Cùng lúc đảm nhiệm vai Thị Nở và bà Ba, NSND Lệ Ngọc khiến nhiều người bất ngờ bởi lối diễn xuất linh hoạt. Cách hóa trang sân khấu khắc họa rõ nét một Thị Nở xấu "ma chê quỷ hờn" nhưng tốt bụng, ấm áp. Phân cảnh Thị Nở đêm nào cũng ngước lên hỏi trăng: "Trăng ơi, bao giờ Nở có lứa có đôi" khiến nhiều khán giả bật cười.
Trên sân khấu, màn ân ái giữa Chí Phèo và Thị Nở trong vườn chuối được xử lý bằng tiếng nhạc cụ, các động tác hình thể uyển chuyển của hai diễn viên. Phân cảnh này còn được thể hiện qua những câu thoại dí dỏm, nói lên khát khao hạnh phúc của hai nhân vật.
Ở phần cuối, kịch tưởng chừng có một cái kết mới khác với truyện ngắn, khi Chí Phèo và Thị Nở quyết tâm về chung một nhà. Tuy nhiên, nhân vật bà cô Thị Nở vẫn xuất hiện, ngăn cấm cháu gái đến với "thằng không lương thiện", khiến Chí đến nhà Bá Kiến ăn vạ đòi "làm người lương thiện".
Vở kịch mở ra cái kết nhân văn hơn khi Thị Nở nuôi dưỡng đứa con của cô và Chí Phèo, sau khi bố đứa trẻ qua đời. "Nở sẽ không bỏ nó ở lại cái lò gạch cũ, để nó không phải như Chí", câu nói của nhân vật ám ảnh người xem.
Kịch cũng khắc họa rõ nét sự lố bịch của tầng lớp quan lại phong kiến, đặc biệt trong phân cảnh ở nhà Bá Kiến. Đó là những kẻ vô công rồi nghề, chỉ biết ăn chơi trụy lạc, say sưa trong hơi thuốc phiện, hạch sách bề dưới. Điệu bộ, cử chỉ của NSND Lệ Ngọc (vai bà Ba) và Tiến Minh (vai Bá Kiến) toát lên sự hống hách, rởm đời, khiến người xem tức cười. Là tên cường hào ác bá khét tiếng nhưng Bá Kiến ra vẻ đạo mạo, thường xuyên nhắc đi nhắc lại câu: "Sống trên đời phải có tâm". Các câu thoại của hai nhân vật này hài hước, lố bịch, mang tiếng cười đả kích, châm biếm sâu sắc.
Ngoài các nhân vật trung tâm như Thị Nở, Chí Phèo, vợ chồng Bá Kiến, tác phẩm khắc họa rõ nét hơn về tuyến nhân vật phụ gồm Binh Chức, vợ Binh Chức, Lý Cường. Vợ Binh Chức vốn xinh đẹp. Chồng đi lính, tiền gửi về bị quan lại trong làng cắt xén, chị phải bán thân nuôi miệng. Trong khi đó, sau nhiều năm đi lính, Binh Chức trở về thân tàn ma dại. Không có tiền chữa bệnh, anh sớm qua đời. Nhân vật Năm Thọ cũng được nhắc đến qua lời Bá Kiến. Trước khi chết, giống Chí Phèo, anh cũng đến nhà ông ta "đòi làm người lương thiện". Lý Cường - giống như Bá Kiến, là kẻ phóng túng, dâm ô, tham lam.
Kịch Thị Nở và Chí Phèo ghi điểm bởi diễn xuất sinh động, linh hoạt và các câu thoại sâu cay của dàn diễn viên. Đằng sau tiếng cười, tác phẩm gợi nỗi thống khổ, vất vả của những người nông dân thấp cổ bé họng trong xã hội cũ.
Sau đêm công diễn, tác phẩm sẽ dự Liên hoan Sân khấu quốc tế thử nghiệm lần thứ tư, diễn ra vào tháng 10 ở Hà Nội và tiếp tục tranh tài ở một số liên hoan quốc tế trong năm 2020.
Sân khấu Lệ Ngọc là đơn vị kịch nói xã hội hóa đầu tiên ở Hà Nội. Từ năm 2013, sân khấu hoạt động tại Nhà hát kịch Quốc gia TP HCM. Nhiều tác phẩm tại đây được mời diễn ở các liên hoan sân khấu quốc tế như Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines, Hàn Quốc...
Hà Thu