Bên cạnh giao lưu với khán giả, nghệ sĩ Việt, đoàn nghệ sĩ Nhật Bản sẽ biểu diễn trích đoạn Tháp canh đêm trong vở rối Tình yêu cháy bỏng của con gái người bán rau. Chương trình diễn ra lúc 10h ngày 30/8 tại Nhà hát Múa rối Việt Nam. Vé mời tham dự chương trình phát tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản, 27 Quang Trung, Hà Nội.

Một hình ảnh trong vở rối.
Trích đoạn Tháp canh đêm do các nghệ sĩ thuộc công ty Kịch rối BUNRAKU đến từ Osaka biểu diễn. Nội dung câu chuyện dựa trên những sự kiện diễn ra vào thời Edo, cách đây 300 năm. Oshichi là con gái của một người bán rau quả. Trích đoạn bắt đầu khi Oshichi đang muộn phiền trong đêm, bởi cô vừa tìm ra thanh gươm mà người tình là Kichisaburo làm mất. Trước đó, vì sự thất lạc của thanh gươm mà Kichisaburo có kế hoạch mổ bụng tự sát. Cô rất muốn báo tin cho chàng nhưng các cổng thành đã đóng khi đêm về.
Thành Edo (ngày nay gọi là Tokyo) chỉ mở cổng khi mặt trời ló rạng. Mỗi khi cổng thành đóng, không ai có thể vượt qua, nhưng có một ngoại lệ là khi chuông báo cháy reo, cổng thành sẽ được mở. Oshichi tìm mọi cách ra khỏi cổng thành tìm gặp người tình của mình. Cô gái nhanh trí đã trèo lên tháp canh, rung chuông để mở cổng.
Tuy nhiên, luật thời Edo cũng xử nghiêm những người rung chuông báo cháy khi sự thật không có đám cháy nào xảy ra.
Kịch rối là một trong ba loại hình nghệ thuật sân khấu cổ xưa nhất của Nhật Bản, cùng với kịch Noh và Kabuki. Kịch rối Nhật Bản kết hợp giữa nghệ thuật kể chuyện qua các con rối và âm nhạc. Những câu chuyện trong các vở kịch thường có nội dung mang tính lịch sử về thời phong kiến (được gọi là Jidaimono), và các vở có nội dung đương đại kể những xung đột nảy sinh do rào cản của xã hội (hay còn gọi là Sewamono).
Trong một vở kịch rối Nhật, mỗi con rối được điều khiển bởi ba nghệ sĩ, khán giả hoàn toàn có thể nhìn thấy họ hiện diện trên sân khấu. Người kể chuyện đóng vai trò quan trọng trong vở diễn. Đó là nghệ sĩ xuất hiện trên sân khấu từ đầu tới cuối vở, phải thay đổi giọng nói, âm điệu để phù hợp với mọi hoàn cảnh, mọi nhân vật. Người kể chuyện cũng không bị gò ép theo kịch bản viết sẵn, mà có thể tự do tạo nên cảm xúc câu chuyện với phong cách của riêng mình.
Bên cạnh người kể chuyện, kịch rối Nhật còn có một nghệ sĩ chơi đàn ba dây shamisen ngồi trên bục phải sân khấu.
Hiện, có 160 vở trong kho 700 kịch bản từ thời Edo (1603 – 1868) được lưu giữ và dàn dựng.
Lam Thu