Xe tăng T-14 Armata bắn thử pháo.
Kể từ khi được công bố hồi năm 2015, xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata Nga luôn thu hút sự chú ý của giới quân sự. Các chuyên gia thường so sánh sức mạnh siêu tăng Nga với những khí tài hiện đại nhất của các cường quốc quân sự, bao gồm cả dòng xe tăng Type-99 Trung Quốc, theo WATM.
Chuyên gia quân sự Harold Hutchison cho rằng trong cuộc đấu một chọi một, xe tăng T-14 Armata nắm hoàn toàn lợi thế so với đối thủ Type-99. Nó được trang bị giáp hiện đại hơn, sở hữu hỏa lực mạnh vượt trội cùng hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại, bảo đảm bắn trúng mục tiêu từ khoảng cách nhiều km.
T-14 Armata được trang bị ít nhất ba lớp phòng thủ. Đầu tiên là hệ thống phòng thủ chủ động Afganit, có khả năng phát hiện đạn chống tăng đang phóng đến nhờ cụm radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) gắn ở 4 mặt tháp pháo. Xe có thể phóng đạn khói để vô hiệu hóa hệ thống dẫn bắn laser, hoặc bắn đạn đánh chặn để tiêu diệt mối đe dọa trước khi nó kịp chạm tới giáp xe.
Lớp phòng thủ thứ hai là giáp phản ứng nổ (ERA) thế hệ 4 Malachit, được cho là có thể giảm tới 50% khả năng xuyên phá của các loại đạn chống tăng hiện đại nhất.
Cuối cùng là giáp phức hợp được chế tạo từ nhiều lớp thép cường độ cao kết hợp với sợi thủy tinh gia cường và vật liệu gốm. Thiết kế giáp phức hợp cho phép T-14 Armata ngăn chặn nhiều loại đạn chống tăng khác nhau.
Trong khi đó, xe tăng Type-99 Trung Quốc được trang bị hai lớp giáp gồm giáp phản ứng nổ và giáp composite có tổng độ dày tương đương 1.100 mm thép cán đồng nhất (RHA). Biến thể Type-99A2 sử dụng hệ thống bảo vệ đa tầng tương tự xe tăng Nga, sử dụng radar để phát hiện mối nguy hiểm và kích hoạt ERA, tiêu diệt đầu đạn trước khi nó bắn tới giáp xe.
Type-99 cũng được trang bị hệ thống cảnh báo laser, giúp trưởng xe phát hiện mối đe dọa từ tên lửa chống tăng có điều khiển. Xe tăng này có thể được lắp thiết bị gây nhiễu công suất lớn, nhằm đánh lừa tín hiệu dẫn bắn tên lửa, vô hiệu hóa kính ngắm và xạ thủ đối phương tương tự tổ hợp Shtora-1 của Nga.
Khi giao chiến ở khoảng cách xa, lớp giáp trên Type-99 có thể chỉ chịu được vài phát đạn của T-14 Armata. Xe tăng Nga có thể bắn đạn thanh xuyên động năng (APFSDS) 3BM70 "Vacuum-2" có khả năng xuyên thủng 800-900 mm RHA ở khoảng cách 2 km, hoặc đạn nổ lõm 3BK29M có uy lực tương tự được bắn từ pháo nòng trơn cỡ 125 mm.
Armata còn có thể sử dụng tên lửa chống tăng có điều khiển 9M119M1 "Invar-M", bắn xa tới 8 km và đủ sức xuyên thủng lớp giáp có độ dày tương đương 700-900 mm RHA.
Các hệ thống phòng thủ trên siêu tăng Nga đủ sức chống lại mọi đòn đánh của xe tăng Trung Quốc được bắn từ khẩu pháo 125 mm vốn được phát triển từ pháo 2A46 trên xe tăng đời cũ T-72, hay thậm chí cả tên lửa chống tăng có điều khiển dựa trên mẫu 9M119 Svir do Liên Xô chế tạo.
Nếu giao chiến ở tầm dưới hai km, Type-99 gần như không có cơ hội chiến thắng siêu tăng T-14 Armata, Hutchison nhận định.
Thiết kế tháp pháo tự động được điều khiển bởi tổ lái ngồi trong khoang bọc giáp kiên cố ở đầu xe giúp tổ lái T-14 Armata có cơ hội sống sót cao ngay cả khi tháp pháo bị xuyên thủng và bốc cháy.
Tháp pháo Type-99 dường như là biến thể có hình dáng góc cạnh hơn so với tháp pháo tròn của xe tăng T-72 Liên Xô, khó có thể đảm bảo an toàn cho tổ lái khi trúng hỏa lực đối phương.
Xe tăng Type-99 trên đường phố Trung Quốc
Tuy nhiên, nếu một cuộc xung đột quân sự nổ ra, hai loại xe tăng này khó có cơ hội một đấu một. Hai nước sẽ phải triển khai nhiều đơn vị cùng lúc, khi đó Trung Quốc sẽ giành lại lợi thế trên chiến trường.
Ngân sách quốc phòng eo hẹp khiến Nga không thể mua 2.300 xe tăng T-14 Armata theo kế hoạch. Moscow mới chỉ đặt mua 100 chiếc T-14, trong khi Bắc Kinh có nguồn lực lớn giúp họ chế tạo và biên chế gần 1.000 chiếc Type-99.
Ưu thế về số lượng có thể giúp Type-99 bù đắp điểm yếu về công nghệ và áp đảo đối thủ T-14 Armata trong một cuộc chiến trên bộ, chuyên gia Hutchinson nhận định.
Duy Sơn