Theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (HCDC), thành phố có hai khu cách ly tập trung của quân đội, 5 khu cách ly cấp thành phố, 23 khu cách ly cấp quận huyện và 42 khách sạn cách ly có thu phí, với tổng công suất 10.481 giường.
Đề phòng tình huống dịch lan rộng và phức tạp, ngành y tế đã chuẩn bị thêm 10 cơ sở cách ly tập trung khác, gồm 9 khu quân đội và một ký túc xá của Đại học Quốc gia, với tổng công suất 19.520 giường. Như vậy, TP HCM đủ khả năng cách ly tập trung cho 30.000 người.
HCDC nhận định, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trong cả nước. Đặc biệt, tại TP HCM đang lưu hành đồng thời của cả hai biến chủng (Ấn Độ và Anh), được cho là có khả năng lây lan nhanh ở các ca bệnh trong cộng đồng. Do đó, ngành y tế đã chủ động cập nhật, hoàn chỉnh các phương án, nhằm đáp ứng mọi tình huống và kiểm soát không để dịch bệnh lây lan tại thành phố.
Bên cạnh việc tăng năng suất giường cách ly tập trung, thành phố đã tổ chức hơn 600 đội lấy mẫu từ các bệnh viện, trung tâm y tế và lực lượng sinh viên y khoa. Trong tình huống khẩn cấp có thể huy động lấy 100.000 mẫu bệnh phẩm trong 24 giờ.
Hiện, 23 đơn vị y tế của thành phố và trung ương đóng chân trên địa bàn đủ điều kiện xét nghiệm khẳng định nCoV. Tổng công suất xét nghiệm đạt 15.000 mẫu đơn trong 24 giờ, khi cần thiết có thể tăng công suất lên tối đa 35.000 – 40.000 mẫu đơn trong 24 giờ. Tính đến tối 23/5, có hơn 510.000 mẫu trong nhóm đối tượng nguy cơ đã được xét nghiệm nCoV.
Qua hai đợt tiêm chủng, toàn thành phố có 64.389 người được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Trong đó có 59.964 nhân viên y tế của 121 cơ sở y tế, 4.425 nhân viên sân bay, cảng biển và cơ sở cách ly tập trung (kể cả khách sạn).
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, tại cuộc họp Ban chỉ đạo chống dịch Covid-19, sáng 24/5, lưu ý người dân nên "tự có trách nhiệm với sức khoẻ của chính mình, gia đình và cộng đồng". Đặc biệt, ông khuyến cáo người trên 60 tuổi hạn chế ra đường, vì khả năng miễn dịch của người cao tuổi yếu, như trường hợp "bệnh nhân 4780", 58 tuổi, ở quận 3.
Đối với Sở Y tế, ông Phong yêu cầu rà soát lại quy trình phòng chống dịch, thực hiện giãn cách trong các cơ sở khám chữa bệnh. Bệnh viện phải hạn chế tối đa các trường hợp thăm nuôi và kiểm soát chặt chẽ người ra, vào. Ngoài ra, cơ sở y tế phải lên phương án đối phó Covid-19 và luôn có sẵn khu cách ly tạm thời, tránh trường hợp phải phong toả như Trung tâm Y khoa Medic vừa qua.
Tất cả nhân viên y tế, bệnh nhân, người chăm sóc bệnh nhân được yêu cầu cài đặt và bật ứng dụng Bluezone, nếu có thiết bị di động. Nếu không có thiết bị di động phải áp dụng các hình thức khác. Bệnh viện nào có điều kiện thì trang bị bộ nhận diện khuôn mặt.
Ngoài ra, ông Phong cũng đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo tạm dừng hoạt động một số dịch vụ không thiết yếu. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị phải quán triệt cán bộ công chức, viên chức, người lao động của mình nếu có dấu hiệu ho, sốt, khó thở không được tới cơ quan mà phải làm theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Từ ngày 25/5, người đến các cơ quan, đơn vị liên hệ công tác cũng phải khai báo y tế.
TP HCM đang điều trị 17 ca Covid-19. Trong đó, 16 ca tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi sức khỏe ổn định, không có triệu chứng chuyển nặng. Riêng "bệnh nhân 2983" chuyển đến từ An Giang được đánh giá là ca bệnh nặng.
Trong đợt dịch thứ 4, thành phố ghi nhận 6 ca dương tính, gồm "bệnh nhân 2910", liên quan Hà Nam; hai chuyên viên kiểm toán là bệnh nhân 4514, 4583 nhiễm chủng Ấn Độ, có nguồn lây từ Hải Phòng; chuỗi ba ca 4780, 4781, 4782, 5329 ở quán bánh canh quận 3, hiện chưa xác định được chính xác nguồn lây. Ngoài ra, có ca nghi nhiễm đang chờ xét nghiệm khẳng định là một người đàn ông 63 tuổi ở Gò Vấp. Người đàn ông này hiện đã âm tính nCoV, ngành y tế nhận định có thể ông đã mắc bệnh từ trước, đang ở giai đoạn gần khỏi, hoặc tái dương.
Thư Anh