Trao đổi VnExpress ngày 24/5, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, cho biết hiện chưa thể khẳng định chuỗi lây nhiễm quán bánh canh O Thanh liên quan các ổ dịch ở Đà Nẵng. Chuỗi lây này gồm ba mẹ con, là ba bệnh nhân 4780 (bà chủ quán), 4781 và 4782 (hai người con). Ngoài ra, một em bé 18 tháng tuổi là cháu ngoại của bà chủ quán, hôm nay có kết quả xét nghiệm lần hai dương tính, chưa được Bộ Y tế ghi nhận nên xem như nghi nhiễm.
"Ngành y tế sẽ phối hợp thông tin dịch tễ với giải mã gene trên diện rộng, đối chiếu với thông tin bộ gene virus thu nhận từ các tỉnh để có thể xây dựng 'cây phát sinh loài' nhằm giải thích nguồn gốc của chủng B.1.1.7 liên quan đến các ca nhiễm tại quận 3", bác sĩ Châu nói.
Cây phát sinh loài, tức là khi giải mã ra đoạn gene virus, phần mềm máy tính sẽ sắp xếp các bộ gene có cấu trúc gần giống nhau ở cạnh nhau, càng khác cấu trúc thì ở xa nhau.
Theo điều tra dịch tễ học, quán ăn ngụ quận 3 này khá nổi tiếng, thỉnh thoảng có những đoàn khách công tác từ Hà Nội hoặc miền Trung vào ăn. "Nhiều khả năng đây là nguồn lây trực tiếp", bác sĩ Châu nói về giả thiết đầu tiên.
Giả thiết thứ hai, có thể chủng này từ Đà Nẵng, Hà Nam vào TP HCM từ một thời gian trước, âm thầm lây bệnh trong cộng đồng từ những người mắc Covid-19 không triệu chứng. Người con gái trong gia đình này cũng từng đến Đà Nẵng hồi tháng 2.
Thứ ba, không loại trừ khả năng chủng này xuất phát các tỉnh phía Bắc, "tàn dư" âm thầm từ thời điểm "bệnh nhân 1660" - thanh niên 28 tuổi ở Hải Dương - phát hiện bệnh tại thành phố. Hoặc có thể nguồn lây từ những người mang virus ở Hải Dương về thành phố sau đó.
Họp ban chỉ đạo chống Covid-19 TP HCM mới đây, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) Nguyễn Trí Dũng cho biết vẫn chưa tìm được nguồn lây các ca nhiễm quận 3. "Nguồn lây không phải lúc nào cũng dễ tìm thấy", bác sĩ Dũng nói.
HCDC đang tiếp tục điều tra thêm các trường hợp tiếp xúc, lịch trình dịch tễ... để tìm nguồn lây. Dù xác định nguồn lây hay chưa, khi phát hiện ca bệnh, thành phố đều đánh giá nguy cơ lây nhiễm cao, tiến hành khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm nhanh để phát hiện, ngăn chặn nguy cơ dịch lây lan trong cộng đồng, theo ông Dũng.
Ông Tôn Thất Thạnh, Giám đốc CDC Đà Nẵng, cho rằng ba bệnh nhân 4780, 4781 và 4782, không liên quan dịch tễ ở Đà Nẵng. CDC Đà Nẵng đã liên hệ với CDC TP HCM để xác minh thông tin và kết quả được cung cấp là ba bệnh nhân trên đều không đi đến Đà Nẵng. Ngoài ra, con gái trong gia đình này từng đến Đà Nẵng nhưng vào khoảng ngày 10/1 âm lịch.
Kết quả giải trình tự gene virus bà chủ quán O Thanh và một trong hai người con ghi nhận biến chủng Anh B.1.1.7. Ba mẹ con được ghi nhận mắc Covid-19, ngày 20/5.
Biến chủng Anh này đang lưu hành tại Đà Nẵng và Hà Nam, hiện lây lan ra các tỉnh khu vực miền Trung. Hồi tháng 1, chủng này từng được ghi nhận ở nhiều ca bệnh trong ổ dịch bùng phát ở Hải Dương. Tại TP HCM, chủng này phát hiện lần đầu trên "bệnh nhân 1660" (thanh niên 28 tuổi từ Hải Dương, phát hiện bệnh ngày 29/1) và "bệnh nhân 2910" (thanh niên 28 tuổi từ Hà Nam, phát hiện bệnh 29/4), cách ly điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi trước đây.
Thời gian qua, Bệnh viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM phối hợp với CDC Đà Nẵng giải mã được 5 bộ gene nCoV từ các bệnh nhân hiện ở Đà Nẵng, kết quả cũng thuộc biến chủng Anh B.1.1.7.
Ngoài biến chủng Anh, TP HCM cũng đang ghi nhận biến chủng Ấn Độ B.1.617.2 ở "bệnh nhân 4583" – người phụ nữ ngụ quận 7 và "bệnh nhân 4514" – thanh niên ngụ TP Thủ Đức. Đây là hai đồng nghiệp chung công ty tại quận 3. Nữ bệnh nhân từng đến Hải Phòng từ ngày 24/4 đến 5/5, về TP HCM đi làm, trước khi phát hiện dương tính nCoV tối 18/5. Biến chủng của hai bệnh nhân này tương tự chủng đang gây dịch tại các tỉnh phía Bắc.
"Đây là lần đầu tiên TP HCM ghi nhận sự lưu hành đồng thời của cả hai biến chủng được cho là có khả năng lây lan nhanh hơn so với các chủng nCoV trước đây, ở các ca bệnh trong cộng đồng", bác sĩ Châu nhận định.
Cả hai biến chủng này đã xuất hiện tại một số tỉnh, thành trên cả nước, khiến Việt Nam đang có bức tranh lây nhiễm trong cộng đồng rất phức tạp, chồng chéo. Điều may mắn là dù đang xuất hiện cả hai biến chủng, TP HCM vẫn chưa bùng phát dịch như các tỉnh, thành khác. Những người tiếp xúc gần với các bệnh, hiện đều âm tính nCoV lần một.
Theo bác sĩ Châu, các đột biến cấu trúc có thể làm virus "ác" hơn trong quá trình xâm nhập cơ thể người như xâm nhập vào tế bào dễ dàng hơn, hủy hoại tế bào nhanh hơn, tránh né kháng thể tạo ra từ vaccine... Tuy nhiên, biến chủng của virus dù nguy hiểm thế nào vẫn không thể xuyên thấu khẩu trang. "Do đó việc đeo khẩu trang rất quan trọng, giúp phòng chống lây lan dịch bệnh hiệu quả", bác sĩ Châu nói.
Việt Nam cần thực hiện nghiêm ngặt phòng chống lây lan virus từ người bệnh sang người lành, bảo đảm từ khâu cách ly sau nhập cảnh đến việc tuân thủ "5K" trong sinh hoạt hàng ngày. Đẩy mạnh tiêm vaccine đạt độ phủ khoảng trên 70% dân số để tạo miễn dịch cộng đồng, từ đó ngăn chặn dịch bệnh.
Việt Nam đang trong đợt bùng phát dịch. Tổng số ca nhiễm tính từ ngày 27/4 đến nay lên 2.254 ca, ở 30 tỉnh thành.