Đến nay căn cứ duy nhất để các nhà quan sát dự báo chính sách của ông Donald Trump ở châu Á và Biển Đông là nhóm cố vấn của ông. Họ là Newt Gingrich, Rudy Giuliani, những người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, do đó có thể tân tổng thống Mỹ sẽ gia tăng lực lượng quân sự ở khu vực này.
"Dưới thời ông Trump làm ông chủ Nhà Trắng, quân đội Mỹ có thể tăng cường hiện diện ở Biển Đông, có nhiều hoạt động bảo vệ tự do hàng hải hơn, nhiều tàu xuất hiện hơn, nhiều dấu ấn quân sự hơn", ông Richard Javad Heydarian, Đại học De La Salle, Philippines, chia sẻ với VnExpress bên lề hội thảo Biển Đông lần thứ 8 tại Khánh Hoà.
Theo ông Heydarian, khi Mỹ tăng "chính sách diều hâu", Trung Quốc duy trì chiến lược kiểm soát khu vực Biển Đông, căng thẳng ở khu vực sẽ leo thang.
Đồng tình với ý kiến này, ông Bill Hayton, Viện Chatham House (Viện Nghiên cứu Hoàng gia về các vấn đề quốc tế), Anh, cho biết các cố vấn của ông Trump từng nhắc đến việc cần thiết xây dựng lực lượng hải quân ở châu Á, kiên quyết hơn trước các hành động gây hấn của Trung Quốc. Họ cũng từng nhắc đến việc nếu Bắc Kinh giữ nguyên hiện trạng ở Biển Đông, không chiếm thêm các đảo thì Mỹ "sẽ để yên".
"Thế nhưng Trung Quốc có chấp nhận điều đó? Tôi cho rằng căng thẳng ở Biển Đông sẽ gia tăng thời gian tới và nếu bạn hỏi có dẫn tới xung đột quân sự không, tôi hy vọng là chúng ta sẽ không phải chứng kiến điều đó", ông Hayton nói.
Nguy cơ mặc cả
Ông Heydarian đánh giá khi Donald Trump gia tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông, có hai vấn đề đáng lo ngại. Thứ nhất là ông có đủ kiên nhẫn và khí chất, kinh nghiệm để xử lý tình hình trước phản ứng của Trung Quốc không, thứ hai liệu ông Trump có thoả hiệp với Bắc Kinh để đổi lấy lợi ích kinh tế.
"Về giả thuyết thứ nhất, vì ông Trump chưa từng có kinh nghiệm gì nên tôi không cảm thấy lạc quan về tình hình. Chính sách của ông Trump là không chắc chắn mà không chắc chắn không phải điều tốt", Heydarian nói.
Phân tích giả thuyết thứ hai, chuyên gia người Philippines cho rằng nếu Trung Quốc đưa ra các con bài mặc cả về thương mại, ông Trump có thể thay đổi.
"Nếu Trung Quốc dỡ bỏ một số loại thuế, giảm hạn chế đầu tư của Mỹ vào nước này, đổi lại Washington giảm hiện diện quân sự ở Biển Đông, ông Trump có thể cân nhắc điều gì là ưu tiên của ông, có thể lợi ích thương mại sẽ giúp lao động Mỹ có thêm việc làm. Do đó ông Trump có thể "hy sinh" Biển Đông", Heydarian dự báo.
Giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ, trong email trao đổi với VnExpress cũng đưa ra cảnh báo về chính sách của ông Trump. Về Biển Đông, nhiều khả năng Trump sẽ sử dụng sức mạnh quân sự mạnh mẽ hơn khi đối phó với Trung Quốc. Có thể ông sẽ tăng cường bán vũ khí cho Đài Loan và các nước trong vùng. Ông có thể không đứng ra làm trung gian hoà giải giữa Trung Quốc và các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông như chính quyền Obama từng có tham vọng. Ông cũng không muốn một mình làm "cảnh sát quốc tế" để bảo vệ hoà bình ở các khu vực khác. Nhiều khả năng ông sẽ yêu cầu các nước có lợi ích phải tự mình cố gắng hơn và Mỹ sẽ vừa biểu dương sức mạnh với Trung Quốc vừa tìm cách yêu cầu kinh phí bảo trợ từ các nước này.
"Trump có một thế giới quan khá mạnh và chính sách của ông sẽ phản ánh thế giới quan đó. Ông trọng sức mạnh cứng hơn là sức mạnh mềm và khi ông không ép buộc được người khác thì ông sẽ mặc cả", Giáo sư Vuving viết.
Ông Heydarian lưu ý các nước cần nhìn nhận rằng đang có "hai Donald Trump", một con người khác của ông là "mềm mỏng hơn". Nếu như Trump đi theo chiều hướng như những gì thể hiện trong bài diễn văn chiến thắng bầu cử, sau cuộc gặp với Tổng thống đương nhiệm Obama và với bà Clinton, Mỹ sẽ có chính sách thiên về đàm phán với Trung Quốc ở Biển Đông. Như vậy căng thẳng Biển Đông sẽ hạ nhiệt.
"Thách thức của chúng ta bây giờ là dự báo con người nào của Trump sẽ thắng thế trong tương lai gần", ông Heydarian nói.
Việt Anh